Mức chuẩn nghèo áp dụng tại Đà Nẵng cao hơn của cả nước

Chính sách chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2016- 2020 áp dụng tại Đà Nẵng hiện cao hơn nhiều so với mức chuẩn nghèo đang được áp dụng trên toàn quốc.

Từ ngày 1/1, Đà Nẵng đã chính thức áp dụng chính sách chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2016- 2020. Theo đó, chuẩn nghèo của Đà Nẵng được xác định với mức thu nhập 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Mức này cao hơn chuẩn nghèo của cả nước hiện nay.

Theo mức chuẩn nghèo mới, Đà Nẵng có 23.354 hộ nghèo, chiếm 9,18% tổng số hộ dân trên toàn thành phố.

Ngày 7/11, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức triển khai đề án giảm nghèo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020. Đề án giảm nghèo mới có tổng kinh phí là 1.464 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 8,7 tỷ đồng, vốn tín dụng Trung ương là 519 tỷ đồng, ngân sách thành phố là 476 tỷ đồng, vốn tín dụng thành phố ủy thác sang NHCSXH và lãi suất cấp bù là 373 tỷ đồng, ngân sách quận huyện 8,7 tỷ đồng, ngân sách huy động xã hội 78 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc sở LĐTB & XH thành phố Đà Nẵng cho biết, đề án nhằm huy động các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, điều kiện sống, thông tin, đi lại, bảo hiểm… nhằm cải thiện đời sống, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đề án này, mỗi năm Đà Nẵng sẽ giảm từ 500-600 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giảm 20% số hộ nghèo và hộ cận nghèo (tương đương 4.030 hộ nghèo và 2.080 hộ cận nghèo), hạn chế hộ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh mới dưới 1%. Đến năm 2020 sẽ hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Thực hiện đề án, thành phố sẽ hỗ trợ cho 100% hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà hư hỏng nặng có đất ở ổn định được xây mới nhà ở; 100% hộ có nhu cầu được giải quyết vay vốn ưu đãi; được giải quyết trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; được hỗ trợ tiền điện; trẻ em hộ nghèo đều được miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập…

Trước đó, thành phố Đà Nẵng cũng đã triển có khai hiệu quả mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2012-2015. Tính đến cuối năm 2015, toàn thành phố có 2.000 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt và hộ nghèo theo chuẩn thành phố đã thoát nghèo. Thành phố cũng đã sử dụng quỹ “vì người nghèo” để hỗ trợ xây mới 737 nhà đại đoàn kết, 242 nhà tránh bão, sửa chữa 1.252 nhà cho các hộ nghèo. Ngoài ra, đa số các hộ nghèo, cận nghèo trên toàn thành phố đã được tiếp cận với nguồn vốn vay để buôn bán sản xuất; nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả cao như trồng hoa, trồng nấm, chăn nuôi gà vịt, cá nước ngọt... cũng được chuyển giao cho nhiều hộ nghèo sản xuất, tăng thu nhập.

Song song với việc hỗ trợ về nhà ở và việc làm, Đà Nẵng cũng đã vận động hỗ trợ hộ nghèo lắp điện, nước sinh hoạt, xây dựng công trình vệ sinh; hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất giúp người dân được tiếp cận thông tin, nâng cao đời sống văn hóa của bà con trên toàn thành phố.

 In bài viết
Văn bản điều hành