Mỹ Xuyên: Tạo đột phá từ chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Xác định việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị nên diện tích những năm qua, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) luôn vận động nhân dân xây dựng những mô hình kinh tế mới, từng bước ổn định cuộc sống.

Trong quá trình triển khai, lãnh đạo huyện phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm nâng cao kiến thức cho nông dân. Từ năm 2005 đến nay, toàn huyện đã tổ chức trên 150 lớp tập huấn các mô hình nuôi thuỷ sản nước mặn, nước ngọt, xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu theo quy trình GAP, trồng rau an toàn... Nhờ đó, nhiều gia đình đã nâng cao thu nhập, thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Điển hình là gia đình anh Trương Hoàng Sơn ở ấp Hoà Thượng, xã Ngọc Đông. Nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến kết hợp trồng lúa, gia đình anh đã đạt thu nhập 100 triệu đồng/năm.

Đa phần những hộ dân có điều kiện thường đầu tư vào các mô hình đa cây, đa con trên cùng một diện tích, như gia đình ông Phan Minh út ở xã Gia Hoà, ông Nhâm Tính ở Thạnh Thới An, ông Lê Hùng Minh ở xã Thạnh Phú đạt thu nhập 150 triệu đồng/năm từ trồng lúa, nuôi tôm sú, trùn quế, rắn ri voi.

Ông Lương Minh Quyết, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Phong trào chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng đã tạo động lực cho đồng bào Khmer ở Mỹ Xuyên sớm ổn định cuộc sống. Hiện trên địa bàn huyện còn khoảng 28% hộ nghèo theo tiêu chí mới (gần 10.000 hộ), phấn đấu hết năm 2010, số hộ nghèo còn dưới 15%”.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện Mỹ Xuyên rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ngành trong việc tạo điều kiện cho người dân phát huy tiềm năng, lợi thế ở địa phương.

Theo Phương Nghi
(Nguồn: kinhtenongthon.com.vn)

[TT: H.T.N]

 In bài viết
Văn bản điều hành