Nam Trà Mi: Sức bật từ Chương trình 135

Từ TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), theo đường 616, vượt qua 95km, lúc xuyên qua những khu rừng hoang sơ, khi đi cạnh những bản làng của đồng bào dân tộc nằm chênh vênh trên triền núi, chúng tôi đến với Nam Trà Mi, huyện miền núi của xứ Quảng. Những năm gần đây, nhờ có sự đầu tư đồng bộ của các chương trình, dự án, trong đó có Chương trình 135, bộ mặt nông thôn ở Nam Trà Mi đã thực sự đổi thay.

Nam Trà Mi có 82.000ha diện tích đất tự nhiên, dân số 22.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 97%. Nam Trà Mi nổi tiếng với những làng nghề dệt thổ cẩm và cây sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, do nằm ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn; trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên kinh tế kém phát triển. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì đáng kể, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành tỉnh Quảng Nam, 10/10 xã của huyện đều được hưởng lợi từ Chương trình 135 và các chương trình, mục tiêu quốc gia khác, từ đó tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đưa chúng tôi đi xem những công trình xây dựng phục vụ đồng bào, ông Nguyễn Văn Điền, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để Chương trình 135 phát huy hiệu quả cao nhất, việc sử dụng đồng vốn minh bạch, rõ ràng, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hội nghị thảo luận về cơ chế đầu tư, mức vốn phân bổ, danh mục công trình để lấy ý kiến từ cơ sở. Trên cơ sở đó, xem xét, nghiên cứu sao cho phù hợp với yêu cầu, định hướng từng xã. Các công trình cấp thiết được ưu tiên đầu tư xây dựng, phục vụ nhu cầu của đồng bào như cầu treo, trường học, đường sá...” Ngoài ra, huyện luôn kết hợp với các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng các công trình như điện, đường, trường, trạm. Chương trình xoá đói giảm nghèo luôn nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Để cụ thể hoá các mục tiêu phát triển kinh tế, huyện đã ra nghị quyết phát triển kinh tế vùng nhằm khai thác lợi thế của từng địa phương. Từ nay đến năm 2010, huyện phấn đấu giảm 5-8% hộ nghèo mỗi năm.

Nhờ có sự trợ giúp của Chương trình 135, đến nay, đường ô tô đã vươn tới các xã Trà Vân, Trà Vinh, Trà Don, Trà Nam, Trà Linh, giúp cho việc giao thương thuận tiện, dễ dàng, mở ra cơ hội giao lưu, buôn bán giữa các vùng. Tuy nhiên, có một thực tế là, hiện nay nhiều bản làng của đồng bào vẫn còn khá nhiều gian khó, những con đường mới chưa vươn được tới đây nên hầu như bà con sống cách biệt với bên ngoài. Trình độ canh tác lạc hậu, thiếu kiến thức kỹ thuật nên năng suất cây trồng -vật nuôi rất thấp. Vì vậy trong những năm tới, Chương trình 135 sẽ tiến sâu về cơ sở, đầu tư đến tận bản làng xa xôi. Ngoài việc dành vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện sẽ ưu tiên cho công tác đào tạo cán bộ tại chỗ, xây dựng các mô hình kinh tế mới, giúp bà con có cơ hội vươn lên xoá nghèo, làm giàu.

Theo Quốc Phong

 In bài viết
Văn bản điều hành