Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số (DTTS), với trên 86.200 người, chiếm 7,3% dân số cả tỉnh. Những năm qua, tỉnh đã tiến hành lồng ghép nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương và địa phương, đầu tư hơn 400 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp các công trình quan trọng, thiết yếu, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho đồng DTTS. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh như: Giải quyết cấp đất sản xuất; đầu tư ứng trước, trợ cước, trợ giá vận chuyển giống, phân bón; chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay phát triển chăn nuôi... cũng đã đem lại hiệu quả tích cực.

Tỉnh đã quy hoạch, khai hoang cấp hơn 4.750 ha đất cho hơn 4.000 hộ, bình quân gần 1,2 ha đất sản xuất/hộ. Cùng với đó, gần 2.400 hộ đồng bào DTTS vùng có rừng đã được giao khoán gần 86.400 ha rừng, bình quân mỗi hộ được nhận khoán gần 37 ha rừng để quản lý, bảo vệ và chăm sóc. Các chính sách đầu tư hỗ trợ đồng bào DTTS vay vốn phát triển chăn nuôi, phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... cũng đã đem lại hiệu quả cao. Hiện tổng đàn trâu, bò theo vốn vay đồng bào DTTS phát triển đã tăng 2,7 lần so với tổng đàn ban đầu, tỷ lệ thu hồi nợ đạt gần 90%.

Sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào DTTS đã dần đi vào ổn định, phương thức canh tác được thay đổi. Trung tâm dịch vụ miền núi và các Trạm Khuyến nông, Thú y... đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, triển khai các chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, trình diễn mô hình sản xuất, chăn nuôi; hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật thâm canh, từng bước đưa các loại cây trồng như ngô lai, lúa nước, sắn, cao su, điều ghép... trở thành cây chủ lực. Diện tích gieo trồng được mở rộng, năng suất, sản lượng tăng, nhất là cây ngô lai và lúa nước hiện đạt trên dưới 60 tạ/ha, gần bằng năng suất bình quân cả tỉnh. Nhờ đó, nhiều hộ có thu nhập vài chục đến cả trăm triệu đồng một năm nhờ trồng ngô lai, điều, cao su và chăn nuôi bò.

Đặc biệt, cây cao su đang phát triển mạnh tại địa phương. Ông Tạ Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm dịch vụ miền núi, cho biết: Hiện 100% số hộ đồng bào DTTS ở xã Đông Giang, La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc) đã trồng và tự khai thác được mủ cao su, với diện tích 240 ha, sản lượng khai thác gần 2.500 tấn. Sau khi hoàn trả vốn, nhiều hộ trồng cao su có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm, cá biệt hộ ông K’Văn Thinh (Đông Giang), ông Xim Đép (La Dạ) thu nhập từ 150 - 170 triệu đồng/năm. Các hộ từng bước chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp, sang sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, đến nay 100% số xã vùng đồng DTTS ở Bình Thuận đã có đường ô tô rải nhựa trung tâm, có trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực. Điện lưới quốc gia được kéo về đến tận thôn, 90 - 98% số hộ được sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt; 100% xã, thôn có trường, lớp kiên cố, đạt chuẩn quốc gia về y tế... Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cơ bản đến nay tỉnh đã xóa được nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo và cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo DTTS vùng cao từ 3.300 hộ, chiếm 54,49% (năm 2006) đã giảm xuống còn hơn 23%; trong đó, nhiều xã số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 10 - 15%. Riêng vùng đồng bào DTTS người Chăm tỷ lệ hộ nghèo từ 25,7%, giảm xuống còn hơn 8%. Cùng với đó, văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn và phát huy; trình độ dân trí, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên tạo lòng tin của đồng bào DTTS đối Đảng và Nhà nước.

Tỉnh Bình Thuận tiếp tục huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng miền khác trong tỉnh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 15% đối với vùng cao và 8% đối với vùng đồng bào DTTS người Chăm.

( Theo baotintuc.vn)

[TT: LPM]

 In bài viết
Văn bản điều hành