Nghĩa Lộ: Giảm nghèo bền vững theo đặc thù khu vực

Năm 2013, thị xã Nghĩa Lộ giảm được 249 hộ nghèo, tương đương 3,53%, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã giảm xuống còn 18,53%. Song song với kết quả giảm nghèo, thị xã Nghĩa Lộ luôn đặt ra mục tiêu giảm nghèo bền vững và đề ra các giải pháp giảm nghèo phù hợp với đặc thù từng khu vực thành thị và nông thôn.

Tổ dân phố 14, phường Trung Tâm là một tổ dân phố hơn 7 năm không còn hộ nghèo và không có hộ nghèo mới phát sinh. Tổ có 74 hộ sinh sống bằng kinh doanh, còn lại là cán bộ, công chức và cán bộ nghỉ hưu, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 80%, còn lại hộ trung bình. Từ việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, tổ dân phố 14 luôn chấp hành đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong các phong trào, nhất là việc đóng nộp các loại quỹ, phí.

Trong năm 2013, tổ đã ủng hộ hàng chục triệu đồng các loại quỹ... Hiện, trên địa bàn tổ không có tệ nạn xã hội, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 94%. Đây là những yếu tố tiền đề vững chắc để tổ dân phố 14 không phát sinh hộ nghèo.


Chia sẻ về những kinh nghiệm trong vận động các hộ phát triển kinh tế, không ngừng đẩy mạnh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, ông Dương Đức Ngoạn - tổ trưởng tổ dân phố 14 cho biết: “Hàng năm, tổ dân phố đều tổ chức gặp mặt các hộ kinh doanh để động viên, biểu dương các hộ kinh doanh giỏi, đồng thời tạo cơ hội để các hộ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong kinh doanh. Các đoàn thể của tổ dân phố tranh thủ các nguồn vốn để hướng dẫn hội viên trong tổ vay với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện mở rộng kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Những hình thức này đã phần nào động viên các hộ không ngừng kinh doanh, sản xuất giỏi, tỷ lệ hộ khá, giàu trong tổ ngày càng tăng”.


Thị xã Nghĩa Lộ có 100 tổ dân phố, thôn bản, trong đó khối nông nghiệp chiếm trên 50%. Vì vậy không phải tổ dân phố, thôn bản nào cũng có điều kiện thoát nghèo bền vững như tổ dân phố 14, phường Trung Tâm. Đối nghịch nhất được kể tới đó là thôn Nậm Đông 2, xã Nghĩa An, cả thôn 71 hộ thì 33 hộ nghèo.


Năm 2013 có 4 hộ thoát nghèo hầu hết đều rơi vào cận nghèo, bên cạnh đó còn có 1 hộ nghèo phát sinh. Do đặc thù là thôn vùng cao, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào canh tác lúa nước và nương đồi; điều kiện sản xuất, đi lại hết sức khó khăn; trình độ dân trí thấp nên vấn đề giảm nghèo và giảm nghèo bền vững gặp nhiều trở ngại, nhất là việc đưa ra các giải pháp giảm nghèo bền vững.


Chị Hà Thị Chiển - Trưởng thôn Nậm Đông 2 tâm sự: “Để giúp các hộ thoát nghèo bền vững, thôn mong muốn được triển khai nhiều hơn các chương trình dự án như: nuôi lợn nái, trâu bò sinh sản, thỏ... vì đây là những chương trình phù hợp với địa hình, đặc thù sản xuất của người dân. Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao trình độ dân trí và tạo điều kiện cho các hộ nghèo tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật”.


Dựa trên đánh giá về thực trạng đời sống của hộ nghèo theo khu vực và thành phần dân tộc cho thấy: tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực thành thị trên địa bàn thị xã chiếm 9,75%; ở khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 41,61% so với tổng hộ dân toàn khu vực; hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 87,9% trong tổng số hộ nghèo chiếm 16,3% so với tổng số hộ dân toàn thị xã. Nguyên nhân nghèo chủ yếu do thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn sản xuất, trình độ nhận thức hạn chế, ốm đau bệnh tật...


Cùng với đó, căn cứ vào kết quả giảm nghèo qua từng năm, đặc biệt là năm 2013 thị xã giảm được 294 hộ nghèo, song trong đó có gần 200 hộ rơi vào mức cận nghèo, cho thấy khoảng cách giữa giảm nghèo và giảm nghèo bền vững chưa cao.


Mục tiêu đề ra trong năm 2014 là giảm 4% hộ nghèo, tương đương với hơn 300 hộ, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ phát sinh mới hộ nghèo và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo. Ngoài các biện pháp, giải pháp giảm nghèo chung đã và đang được triển khai, theo bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo thị xã thì nét mới trong giảm nghèo 2014 là các tổ chức chính trị, đoàn thể phải đăng ký giúp đỡ hội viên của mình thoát nghèo ngay từ đầu năm, với địa chỉ và hình thức giúp đỡ cụ thể; những hộ nghèo có người trong độ tuổi lao động thì những lao động đó phải được tham gia các lớp đào tạo nghề.


Đối với các hộ nghèo khu vực thành thị, thị xã tập trung vào việc tạo điều kiện vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích mở rộng quy mô ngành nghề phụ, đào tạo nghề cho các lao động. Đối với hộ nghèo khu vực nông nghiệp, thị xã chú trọng đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến các mô hình, hướng giảm nghèo hiệu quả; tập huấn cho các hộ nghèo về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện về vốn vay phát triển sản xuất và ngành nghề phụ.


Những giải pháp này đã và đang được thị xã triển khai thực hiện ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Năm nay, cùng với mục tiêu giảm 4% hộ nghèo, thị xã phấn đấu số hộ thoát nghèo phần lớn có mức thu nhập từ mức trung bình trở lên và giảm số hộ cận nghèo.


 In bài viết
Văn bản điều hành