Người cao tuổi xã Đa Phúc (Yên Thủy): Vượt khó, giảm nghèo bền vững

Mặc dù thuộc địa bàn xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, tuy nhiên, với tinh thần tuổi cao, chí càng cao, nhiều hội viên NCT xã Đa Phúc vẫn tích cực lao động sản xuất, phát huy kinh nghiệm, vốn sống giúp con cháu phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.

Trước đây, kinh tế gia đình ông Bùi Văn Lu ở xóm Đồi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích đất lúa ít, đất vườn không đáng kể nên đời sống gia đình khó khăn. Năm 2003, nhận thấy nhu cầu đồ mộc dân dụng lớn nhưng trên địa bàn xã chưa có xưởng mộc nào, ngay khi xã có điện lưới quốc gia, ông Lu quyết định chuyển đổi nghề nghiệp. Với 20 triệu đồng vay ngân hàng cùng vốn tích cóp của gia đình, ông mở xưởng mộc. Ban đầu chỉ là sản xuất những vật dụng đơn giản như gỗ, ván xẻ để làm nhà sàn cho người dân trong xã rồi dần tích lũy tay nghề đóng đồ mộc, đến nay, gia đình ông đã gây dựng được 2 xưởng mộc lớn. Một xưởng do ông trực tiếp quản lý và một xưởng do con trai ông quản lý. Bên cạnh phát triển kinh tế, ông Lu là một trong những hội viên NCT tích cực trong các hoạt động văn nghệ, thể thao, vận động con cháu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cũng như ông Lu, vượt khó thoát nghèo là tinh thần chung của nhiều hội viên NCT xã Đa Phúc. ông Trương Đức Bật, Chủ tịch Hội NCT xã cho biết: Toàn xã hiện có 508 hội viên NCT, trong đó trực tiếp tham gia sản xuất có 112 NCT. Xuất phát từ thực tế xã còn nhiều khó khăn, ruộng đất ít nhưng kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên các hội viên NCT luôn vận động con cháu chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Mạnh dạn tìm tòi và đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào thâm canh sản xuất. Tận dụng các dự án, nguồn hỗ trợ để phát triển mạnh các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng cà gai leo, xạ đen; mô hình chăn nuôi bò vỗ béo và trang trại trồng cây có múi kết hợp cây dược liệu tại địa phương. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay nhiều hội viên NCT trên địa bàn xã đã làm chủ các mô hình kinh tế hiệu quả như mô hình trang trại khép kín trồng bưởi, cam, chanh, cây dược liệu và nuôi trâu, bò của gia đình ông Bùi Văn Pi.

Cùng với phát triển kinh tế, hội viên NCT xã Đa Phúc cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống NCT khó khăn, NCT không nơi nương tựa. Hiện nay, quỹ toàn dân chăm sóc NCT trên địa bàn xã đạt hơn 11 triệu đồng, trung bình hàng năm, Hội thăm hỏi, tặng quà 10 -12 hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

 In bài viết
Văn bản điều hành