Người Gia Rai ở Chư Prông làm công nhân
Đến Công ty Cao su Chư Prông (Gia Lai) những ngày này, theo chân chị Rơ Châm Buk, chúng tôi đến thăm nhiều gia đình người Gia Rai đang làm công nhân cho Công ty, chứng kiến cuộc sống của bà con đổi mới từng ngày.
một vùng đất nghèo khó, sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Công ty Cao su Chư Prông đã góp phần giúp bà con dân tộc Gia Rai trong huyện Chư Prông chiến thắng đói nghèo.
Trong tổng số 2000 công nhân của Công ty, có đến 900 người là người Gia Rai (chiếm 42%) của 42 buôn làng thuộc 11 xã trong huyện Chư Prông. Thu nhập bình quân của công nhân đạt 3,6 triệu đồng/người/tháng, có gia đình đạt thu nhập 150 - 200 triệu đồng/năm.
Giám đốc Công ty Phan Sĩ Bình khẳng định: “ở địa bàn chiến lược và nhạy cảm như biên giới Chư Prông, việc đưa đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân là đúng đắn và cần thiết”. Từ năm 1984, Công ty đã thu nhận hàng trăm người dân tộc Gia Rai ở các xã lân cận vào làm công nhân cho Công ty. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư hàng chục tỷ đồng làm 100km đường cấp phối, 19km đường nhựa, 10km đường điện trung - hạ thế; xây dựng trung tâm y tế với 30 giường bệnh... Cho bà con vay không tính lãi để làm nhà ở kiên cố, xóa mù chữ, bổ túc văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5 cho trên 500 người Gia Rai ở các xã. Chị Kpă Bem xúc động: “Cuộc đời em như bước sang trang mới kể từ khi được trở thành công nhân”.
Trong số gần 900 người dân tộc thiểu số được tuyển vào làm công nhân, được giao khoán chăm sóc vườn cây, không chỉ đời sống được bảo đảm, thoát khỏi đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu như vợ chồng anh Rơmah Bli và Siu Keng ở làng Klă (xã Chư Đrăng). Với 3ha cao su nhận khoán, thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng. Anh chị còn được Công ty hỗ trợ trồng 800 cây càphê, cấy 3ha lúa nước, thu nhập trên 120 triệu đồng/năm.
Đi giữa rừng cao su Chư Prông xanh thẳm, nghĩ về công cuộc đổi mới ở vùng đất này tôi thấy trong lòng dâng lên niềm vui khó tả. Cao su đã ngút ngàn xanh bên dãy núi Chư Prông, bên con suối Ia Đrăng, Gia Mơ, Ia Boòng. Cạnh dòng thác Xung Queeng thơ mộng là nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Cao su Chư Prông ngày đêm rộn rã, hối hả cho ra những tấn mủ cốm. Và bao người đã đổi đời từ dòng “vàng trắng”, được nuôi dưỡng chắt chiu giữa những tầng đất ba zan đỏ ối...
Nguyễn Văn Chiến
(Nguồn: kinhtenongthon.com.vn)
[TT: H.T.N]