Nguồn lực thúc đẩy KT - XH vùng đồng bào DTTS phát triển
Trong những năm qua, Cao Bằng được hưởng các chương trình, chính sách dân tộc nhằm xóa đói, giảm nghèo, giải quyết những khó khăn vùng đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, Chương trình phát triển KT - XH các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 135) góp phần quan trọng cải thiện hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất và nâng cao năng lực cán bộ cơ sở.
Bằng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2009 - 2013, Chương trình 135 hỗ trợ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh tổng kinh phí 960 tỷ 858 triệu đồng. Từ nguồn vốn của chương trình, tỉnh đầu tư xây dựng 732 công trình, trong đó: 188 công trình giao thông nông thôn; 115 công trình thủy lợi; 74 công trình điện dân dụng; 85 công trình nước sinh hoạt; 116 công trình, hạng mục trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên, thiết bị học tập; 52 công trình nước sinh hoạt tập trung; 65 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng; 20 công trình trạm y tế xã; 15 công trình chợ xã; 2 công trình kè; đã hỗ trợ 54.534 lượt hộ nghèo về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng 96 mô hình sản xuất; tập huấn khuyến nông - khuyến lâm 288 lớp, với 8.668 lượt người tham gia; làm 1.566 chuồng trại chăn nuôi.
Từ năm 2009 đến 2013, tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng về kiến thức quản lý xây dựng cơ bản, công tác lập kế hoạch phát triển KT - XH và Chương trình 135 cấp xã có sự tham gia cộng đồng; công tác kế toán cấp xã Tổ chức 511 lớp đào tạo, bồi dưỡng, 26.707 lượt người than gia; trong đó, phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề cho thanh niên các dân tộc tổ chức 36 lớp, 987 lượt người tham gia.
Từ năm 2007 - 2010, đã hỗ trợ cho con hộ nghèo, trẻ mẫu giáo, học sinh con hộ nghèo các bậc học phổ thông học bán trú theo Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: 12.368 trẻ mẫu giáo, hơn 7 tỷ 791,8 triệu đồng; 13.756 học sinh tiểu học, 17 tỷ 332,5 triệu đồng; 4.655 học sinh THCS, 5 tỷ 865,3 triệu đồng; 4.197 học sinh Trung học phổ thông, 5 tỷ 287,2 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ nhân dân tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật; hỗ trợ làm nhà vệ sinh, di chuyển chuồng trại chăn nuôi, cải thiện môi trường, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.
Bằng các dự án đầu tư thuộc Chương trình 135 đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các công trình đuờng giao thông nông thôn hoàn thành tạo điều kiện việc đi lại, giao thương với các vùng miền được thuận lợi, thúc đẩy phát triển KT - XH, góp phần nâng cao nhận thức, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, đã hình thành những vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá; các nghề thủ công truyền thống được duy trì và mở rộng và phát triển. Thông qua Chương trình 135, các ngành, các cấp rút ra nhiều bài học trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách trong vùng đồng bào các dân tộc.
Theo chủ trương của Chính phủ, Chương trình 135 sẽ tiếp tục từ nay đến năm 2020. Để triển khai Chương trình đạt hiệu quả cao cần sự nỗ lực của các ngành, các cấp, từng địa phương, đặc biệt là người dân được hưởng lợi, có như vậy mục tiêu của Chương trình, chính sách mới đạt hiệu quả.