Nguyễn Phích: Điểm sáng từ hoạt động của Tổ Hợp tác sản xuất
Trưởng thành từ Chương trình 135 giai đoạn I, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau hôm nay đã vững vàng bước ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn và vươn lên xây dựng nhiều mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả cao, đáng chú ý là mô hình sản xuất lúa-tôm tại Tổ hợp tác sản xuất (HTSX) 4 ở ấp 1.
Được thành lập từ năm 2002, Tổ HTSX 4 ở ấp 1 với 26 thành viên luôn năng động thay đổi cách nghĩ, cách làm để xây dựng những mô hình kinh tế, đạt hiệu quả cao trên từng diện tích của các hộ gia đình.
Từ 40 ha đất nông nghiệp nhiễm phèn mặn trước kia chỉ độc canh cây lúa, năng suất thấp, nay được bà con trong Tổ HTSX áp dụng khoa học kỹ thuật chuyển đổi sang mô hình trồng lúa – tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà con thực hiện quy trình thả 1 vụ tôm nuôi ăn chắc, vụ sau lại cấy lúa giống mới năng suất cao hơn. Phương thức này đã tạo ra sự bền vững về môi trường, tôm nuôi ít xảy ra dịch bệnh.
Vụ mùa vừa qua, hầu hết diện tích lúa đều đạt năng suất bình quân từ 3,5 đến 4 tấn/ha, một số hộ năng suất đạt 5 tấn/ha. Hiện nay, nhiều hộ đã chuyển đổi nuôi các loại thủy sản khác như cá Chình, cá Bống Tượng thả xen canh tôm, cua kết hợp, cùng với việc tận dụng đất vườn để trồng cây ăn trái, hoa màu, chăn nuôi theo phương thức đa cây, đa con... bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng sản lượng thu nhập lên đến 432 triệu đồng, trong đó, 5 hộ có mức thu nhập trên 30 triệu đồng, số còn lại cũng có thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng. Riêng hộ ông Trần Văn Điệt có mức thu nhập hơn 55 triệu đồng.
Gia đình ông Điệt ngoài canh tác vụ lúa - tôm kết hợp còn nuôi thêm cá Bống Tượng, cá Chình. Nhiều năm qua, gia đình ông đã thành công từ mô hình này, đem lại mức thu nhập vài chục triệu đồng/năm.
Ngoài các mô hình sản xuất, các thành viên Tổ HTSX còn thể hiện tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, hùn vốn xây cất được 16 căn nhà mái tôn. Tổ không còn hộ nghèo, giữ vững tình làng nghĩa xóm, phòng chống tiêu cực và tệ nạn xã hội ở địa phương.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, bà con trong Tổ phát huy những mặt làm được, tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Tuy vậy, để đầu tư cho mô hình này đòi hỏi phải có vốn nhiều, vấn đề này đang được bà con bàn bạc, xoay sở.
Trong thời gian tới, nếu Tổ HTSX 4 được sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương và các cấp, ngành có liên quan đầu tư về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển nông nghiệp, nông thôn ở những năm tiếp theo.
THCM