Nhị Trường đẩy mạnh khai thác tiềm năng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xóa đói giảm nghèo
Xã Nhị Trường huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh có diện tích tự nhiên 2.712 ha, trong đó diện tích nông nghiệp chiếm 1.850 ha. Đây là đặc trưng quy định thế mạnh kinh tế nông nghiệp của xã. Với 88,8% dân số là đồng bào Khmer, khả năng ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất còn hạn chế, vì vậy phát triển kinh tế dựa vào nông nghiệp là bài toán khó cho đảng ủy và chính quyền nơi đây. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng cùng với sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn là hướng đi mà Đảng ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây đã và đang tập trung thực hiện.
Đồng chí Trần Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: Nhiều năm qua, đặc biệt là từ năm 2005 (thời điểm đi vào thực hiện Nghị quyết Đảng bộ xã giai đoạn 2005-2009) đến nay, hàng năm, trên cơ sở phát huy dân chủ hiến kế, xã đều xây dựng Kế hoạch chuyên đề về chuyển đổi cây trồng, chủ yếu là cây màu và triển khai quán triệt cho cán bộ, đảng viên, nhân dân. Trong đó, điểm đáng chú ý là tùy đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng của từng ấp mà sẽ chọn sản xuất một vụ lúa hai vụ màu hoặc một vụ màu hai vụ lúa; cây màu chủ lực được lựa chọn trồng nhiều là bắp giống, đậu phộng và bí đỏ. Thực hiện kế hoạch theo sự chỉ đạo của cấp ủy, các đoàn thể Thanh Niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu Chiến binh cùng vào cuộc, đứng ra tín chấp cho các hộ nông dân nghèo vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách-Xã hội, để đầu tư cải tạo đất, mua sắm vật tư nông nghiệp… Các tổ chức đoàn thể cũng tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, Công ty giống cây trồng miền Nam hàng năm tổ chức trên khoảng 20 cuộc tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật sản xuất cho nông dân, hướng dẫn nông dân sử dụng các giống lúa, màu năng xuất và chất lượng cao, giới thiệu các mô hình trồng màu hiệu quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, đồng thời liên kết tìm đầu ra cho nông sản của nông dân.
Điều đáng lưu ý là trong quá trình chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất, Đảng ủy xã đặc biệt chú trọng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của lực lượng đảng viên. Toàn xã có 20 chi bộ trực thuộc Đảng ủy với 158 đảng viên. Hàng năm, tất cả các chi bộ và từng đảng viên đều được phân công đi đầu và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân bố trí cây trồng, vật nuôi theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất của xã.
Là một xã vùng sâu, việc phục vụ nước tưới tiêu và giao thông đi lại cho nhân dân được xem là vấn đề quan trọng trong chuyển đổi sản xuất. Do vậy, bên cạnh các chương trình đầu tư của Nhà nước, những năm qua, xã cũng đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã có công trình, dân có việc làm”. Nhờ vậy đã huy động được hàng trăm ngày công lao động công ích của nhân dân để nâng cấp, đào mới hệ thống thủy lợi, chủ yếu là các kênh cấp 3; vận động nhân dân hiến đất để đào kênh dẫn nước và làm lộ giao thông. Nhờ thực hiện đồng bộ các mặt, hàng năm hầu như tất cả diện tích nông nghiệp của xã đều được nhân dân nơi đây sử dụng để luân canh lúa-màu; trong đó diện tích màu ngày càng tăng, trung bình hàng năm có khoảng 1.300 ha, đặc biệt là ở vùng đất triền giồng, gò cao (ấp Bông Ven, Nô Lựa B, Giồng Thành, Là Ca A, B) sản xuất lúa kém hiệu quả. Quanh năm, nông dân các ấp đều bố trí trồng màu (nhiều nhất là bắp, mía) và lúa. Đời sống của nhân dân Khmer nơi đây, nhờ chuyển đổi sản xuất, đã được cải thiện dần qua từng năm. Trung bình mỗi năm có 50 hộ thoát nghèo và hiện xã còn 605 hộ nghèo theo tiêu chí mới (chiếm 22,54%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 là 7,2 triệu đồng/người/năm (tăng 1,6 triệu đồng/người/năm so với năm 2005). Ngoài đường nhựa cho xe ô tô đến trung tâm xã thì liên ấp đều có đường đi thông suốt, phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của nhân dân. Số hộ dân được sử dụng điện của xã là 90% và hơn 95% hộ có nước sạch v.v…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở Nhị Trường thời gian qua cũng còn một số vướng mắc: Sự hỗ trợ của các ngành đoàn thể trong việc liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho nông sản còn hạn chế; Hệ thống thủy lợi ở một số nơi chưa phục vụ tốt cho tưới tiêu, làm hạn chế khả năng mở rộng diện tích canh tác; Nông dân còn thiếu vốn trong bố trí sản xuất, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản nông sản chưa cao làm giảm khả năng tiêu thụ v.v… Đây là những vấn đề mà Đảng ủy, chính quyền và các ngành đoàn thể xã Nhị Trường sẽ tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Thanh Dũ
(Ban Tuyên giáo Huyện Cầu Ngang - tỉnh Trà Vinh)