Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo

Trong 7 năm (2005-2012), công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả khả quan. Nếu năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 29,82%, tương đương với 66.108 hộ nghèo (theo tiêu chí cũ), thì đến năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 19,93% tương đương với 60.048 hộ nghèo (theo tiêu chí hiện hành). Để đạt được kết quả này, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Từ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh, từ năm 2005 đến năm 2012, nhiều cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể trong tỉnh đã cụ thể hóa bằng những việc làm. Theo đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các sở, ban ngành tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Chương trình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập”... Hội Cựu chiến binh giúp cho các hộ cựu chiến binh nghèo vay vốn, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động của gia đình hội viên. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, bình quân mỗi năm tổ chức tập huấn cho hàng ngàn lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo cơ sở về phổ biến các chủ trương, chính sách giảm nghèo, đồng thời, giới thiệu các mô hình xóa đói giảm nghèo có hiệu quả; các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững hay phổ biến những kinh nghiệm hay trong công tác xóa đói giảm nghèo qua việc tổ chức “Hội thi cán bộ cơ sở làm công tác giảm nghèo giỏi”... Những hoạt động này đã giúp cho hộ nghèo thay đổi được nhận thức và vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, tính đến cuối tháng 9-2013, toàn tỉnh ước giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 17,5% (tương đương với 54.229 hộ nghèo) và phấn đấu đến cuối năm 2013 số hộ nghèo giảm còn 52.288 hộ, tỷ lệ khoảng 16,95%.

Đến cơ chế, chính sách giúp đỡ hộ nghèo

Trong thời gian qua, hàng loạt các chính sách, dự án giảm nghèo đã được tỉnh quan tâm thực hiện, qua đó góp phần không nhỏ vào giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo hàng năm.

Trong 7 năm qua, tổng doanh số cho vay hộ nghèo là 3.743,3 tỷ đồng với 394.532 lượt hộ vay vốn, bình quân 1 hộ vay 12,7 triệu đồng... Các chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hỗ trợ nhà ở, chính sách trợ cước, trợ giá không thu tiền các hộ nghèo, chính sách hỗ trợ trực tiếp tiền điện cho hộ nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường; Chương 135 giai đoạn II... cũng đã giúp cho hộ nghèo thêm nhiều điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 đã được Trung ương hỗ trợ với tổng số kinh phí là 155,599 tỷ đồng; Chương trình 135 giai đoạn II là 685,493 tỷ đồng; Chương trình 134 là 217,205 tỷ đồng; hỗ trợ người nghèo về nhà ở là 79,603 tỷ đồng; chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 193 là 88,030 tỷ đồng; định canh định cư theo Quyết định 33 là 56,500 tỷ đồng.


Bên cạnh đó, trong những năm qua, mỗi cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng là những địa chỉ đỏ giúp hộ nghèo có nhiều cơ hội thoát nghèo. Mặt trận Tổ quốc tỉnh với cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phong trào “Mái ấm tình thương” đã vận động xây dựng được hơn 100 căn nhà mái ấm tình thương cho hộ nghèo. Quỹ “Vì người nghèo” đã hỗ trợ làm 2.424 căn nhà cho người nghèo với tổng kinh phí 50,320 tỷ đồng; Quỹ an sinh xã hội cho người nghèo tỉnh 755 căn nhà, với tổng kinh phí là 30,474 tỷ đồng. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cũng đã đứng ra tín chấp cho 270.073 hộ nghèo vay vốn; hỗ trợ cho 900 lượt phụ nữ nghèo với số tiền 1,5 tỷ đồng; vận động quyên góp được 16 “Kho gạo tình thương” giúp cho 2.123 hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng mới và sửa chữa tổng cộng 209 căn nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo với tổng số tiền trị giá gần 4 tỷ đồng.

Thời gian tới, để công tác giảm nghèo tiếp tục đạt được những kết quả thiết thực, tỉnh ta đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên chỉ đạo các cấp hội cơ sở tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động toàn dân hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động ngày vì người nghèo, phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư... xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Bên cạnh đó, tiếp tục tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi hơn để người nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, chính sách hỗ trợ về đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt; mở rộng các cơ sở bảo trợ xã hội nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội...

(Theo Baogialai.com.vn)

 In bài viết
Văn bản điều hành