Nhiều khó khăn trong hỗ trợ đồng bào DTTS thoát nghèo từ phát triển trồng rừng
Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ có mục tiêu quan trọng là hỗ trợ đồng bào DTTS giảm nghèo nhanh, bền vững từ việc tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, việc giải ngân nguồn vốn chính sách hỗ trợ này vẫn bị ách tắc bởi có quá nhiều vướng mắc.
Giải ngân thấp
Khác với chính sách giao đất giao rừng, chính sách khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP khuyến khích các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS sinh sống ở các xã khu vực II, khu vực III tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Ngoài các khoản hỗ trợ như kinh phí nhận khoán bảo vệ 400 nghìn đồng/ha/năm, được hỗ trợ 15kg gạo/khẩu/tháng (tối đa không quá 7 năm), được hỗ trợ từ 5-10 triệu đồng mua cây giống, phân bón,… thì các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách còn được vay vốn với lãi suất ưu đãi 1,2%/năm để trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương chưa thể giải ngân vốn cho vay ưu đãi này.
Như Quảng Bình, tỉnh được phân bổ 5 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng nào. Tương tự, tại Đăk Lăk, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH), sau hơn 2 năm triển khai, đến nay trên địa bàn vẫn chưa thể giải ngân cho vay trồng rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP vì UBND tỉnh hiện vẫn chưa quy định mức kinh phí hỗ trợ.
Hà Giang là được xem là địa phương thực hiện khá tốt việc giải ngân vốn cho vay trồng rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, kếu qủa đạt được vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo số liệu của NHCSXH tỉnh, tính đến 30/9/2017, đơn vị mới cho 172 khách hàng vay vốn để trồng rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ, với tổng vốn giải ngân là 8 tỷ đồng.
Tính chung cả nước, kết quả giải ngân vốn chương trình tín dụng trồng rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP hiện không mấy khả quan. Số liệu mới nhất của NHCSXH Việt Nam cho thấy, tính đến 30/6/2017, tổng dư nợ của chương trình này mới đạt 67 tỷ đồng, với 1.587 hộ gia đình vay vốn.
… vì nhiều vướng mắc
Một trong những nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn vay trồng rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ rất ì ạch là do sự chồng chéo trong quy định. Theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP, để làm căn cứ cho vay, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng định mức kinh phí hỗ trợ (nhưng không quá 15 triệu đồng/ha và thời hạn không quá 20 năm), đồng thời xây dựng thiết kế-dự toán đối với từng danh mục cây trồng. Nhưng Điều 8 của Nghị định lại nêu: “Mức vay và thời gian vay cụ thể do ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận”.
Ngoài ra, việc thực hiện lãi suất 1,2%/năm đã “loại” nhiều ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng cho vay trồng rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ theo Nghị định 75/NĐ-CP. Mức lãi suất ưu đãi 1,2% phù hợp với đối tượng vay là đồng bào DTTS nghèo sinh sống ở địa bàn ĐBKK cũng như lĩnh vực đầu tư đòi hỏi thời gian dài như trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Nhưng soi chiếu mức lãi suất này thì trong các ngân hàng hiện nay chỉ có duy nhất hệ thống NHCSXH là đáp ứng được.
Việc “độc quyền” cho vay đối với những khách hàng thuộc nhóm yếu thế khiến NHCSXH luôn đối diện với tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn. Báo cáo mới nhất của NHCSXH cho thấy, trong 10 năm qua (2007-2017), thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho đồng bào DTTS, tổng doanh số cho vay trong toàn hệ thống đạt 2.981 tỷ đồng; tuy nhiên doanh số thu nợ chỉ được 815 tỷ đồng, dư nợ còn 2.152 tỷ đồng (với 215.179 hộ còn dư nợ), buộc phải xóa nợ 15 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ quá hạn trong toàn hệ thống lên tới 93,3 tỷ đồng, nợ khoanh là 54,1 tỷ đồng.
Vì nỗi lo nợ xấu, nợ quá hạn luôn thường trực mà quy trình cho vay gói tín dụng trồng rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ được NHCSXH thực hiện rất chặt chẽ. Do đó, dù Nghị định 75/2015/NĐ-CP đã nêu rõ là các đối tượng được vay vốn trồng rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ không cần có tài sản bảo đảm, nhưng trên thực tế triển khai lại không như vậy.
Để vay được vốn thì các hộ vẫn phải có tài sản bảo đảm, đó thường là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Trong khi đó, hiện nay việc bóc tách quỹ đất để giao đất, giao rừng ở các địa phương cho các hộ đồng bào DTTS vẫn rất khó khăn.
Ngay cả việc giải ngân vốn hỗ trợ hộ DTTS nhận giao khoán rừng cũng bị ách tắc do thiếu chứng từ bảo đảm. Theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP thì ngoài được hưởng kinh phí khoán bảo vệ rừng 400.000 đồng/năm, các hộ nhận giao khoán còn được hỗ trợ trồng rừng bổ sung tối đa 1,6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu tiên và 600.000 đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo.
Nhưng để giải ngân thì đòi hỏi phải có hợp đồng giao khoán cho từng gia đình. Trên thực tế, việc giao khoán thường được các chủ thể giao cho trưởng thôn và lập danh sách các hộ tham gia, không có bản đồ, diện tích cụ thể từng hộ được giao khoán nên phía ngân hàng không thể ký kết hợp đồng tín dụng.
Cần gỡ vướng để khơi thông dòng vốn tín dụng
Phải khẳng định, Nghị định 75/2015/NĐ-CP hứa hẹn tạo ra một hướng thoát nghèo mới cho đối tượng chính sách ở địa bàn ĐBKK. Một điểm rất mới của Nghị định là ngoài các hộ đồng bào DTTS còn có người Kinh nghèo sống ở các xã khu vực II, khu vực III cũng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này.
Tuy nhiên, như đã phân tích trên, do có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai nên đến nay đã làn năm thứ ba, người dân vẫn chưa được hưởng lợi này để giảm nghèo nhanh và bền vững như mục tiêu của chính sách. Do đó, hiện rất cần các giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm khơi thông nguồn vốn hỗ trợ.
Để làm được điều này thì các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương phải chung tay tháo gỡ. Cụ thể, các Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Tài nguyên-Môi trường cần đẩy nhanh tiến độ giao đất gắn với giao rừng cho đồng bào, có hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc về quy trình, thủ tục lập thiết kế, dự toán trồng rừng với từng loại rừng. Đối với các địa phương cần đánh giá đúng nhu cầu thực tiễn của người dân để đăng ký nguồn vốn thực hiện; chỉ đạo ký hợp đồng giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng đến từng hộ, làm cơ sở ký kết hợp đồng tín dụng. Còn về phía NHCSXH cần tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục cụ thể, trước hết tập trung với các hộ đồng bào DTTS, gia đình người Kinh nghèo tại xã vùng II, III đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Nếu những giải pháp này được thực hiện, chắc chắn dòng vốn tín dụng sẽ được khơi thông.