Nhìn lại 02 năm thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới
Sau 02 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới của Chính phủ, với sự nỗ lực, cố gắng và vào cuộc của các cấp, các ngành cùng nhân dân trong toàn tỉnh nên chương trình bước đầu đã đạt được những kết nhất định, bộ mặt vùng nông thôn của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng Nông thôn mới của tỉnh: Tính đến nay, toàn tỉnh đã huy động được hơn 693 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã tập trung đầu tư công tác tuyên truyền, lập đề án và đồ án xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu..., trong đó đặc biệt tập trung đầu tư cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Kết quả, toàn tỉnh đã có 1 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí, 1 xã đạt 12 tiêu chí, 24 xã đạt từ 5-10 tiêu chí, 55 xã đạt dưới 5 tiêu chí; 100% xã hoàn thành lập Đồ án quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới; 16 xã đang triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết trung tâm xã, trong đó có 6 xã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết. Công tác xây dựng nông thôn mới bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhiều mô hình sản xuất mới được triển khai và nhân rộng như: nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, hình thành nhóm hộ vừa sản xuất cà phê vừa tổ chức sơ chế... góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân.
Có được kết quả trên phải khẳng định rằng đó là do sự vào cuộc của cả bộ máy lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở như Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết, HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 làm cơ sở chỉ đạo và triển khai thực hiện. Các huyện, thành phố đang triển khai xây dựng Đề án chung của huyện, thành phố.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt nội dung, yêu cầu xây dựng nông thôn mới được các cấp uỷ đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân địa phương. Người dân ngày càng tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là chương trình xây dựng Nông thôn mới. Nhân dân tự giác tham gia chương trình bằng nhiều công việc cụ thể như: Chỉnh trang nhà cửa, tham gia làm được giao thông liên thôn, liên xã, bảo vệ môi trường...Cuộc sống vật chất, tinh thần nông dân vùng nông thôn được nâng cao, giảm dần tệ nạn xã hội.
Cùng với công tác tuyên truyền, công tác triển khai xây dựng Nông thôn mới cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Trong quá trình thực hiện đã thể hiện được sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc hướng dẫn và chỉ đạo triển khai thực hiện; việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, các chương trình, dự án trên địa bàn bước đầu có kết quả tốt; các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tập trung ưu tiên bố trí các chương trình, dự án đầu tư vào các xã Nông thôn mới; tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, có liên quan trực tiếp tới phát triển cộng đồng dân cư nông thôn và tạo tiền đề để đạt được các tiêu chi xã Nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng đang đứng trước nhiều khó khăn như: Một số bộ phận cán bộ, nhân dân có tư tưởng coi chương trình xây dựng Nông thôn mới là dự án đầu tư; khối lượng công việc nhiều nhưng năng lực cán bộ còn nhiều hạn chế; hướng dẫn tổ chức thực hiện của Bộ, ngành Trung ương chưa thống nhất, chậm, tổ chức triển khai ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu như: Trong điều hành của UBND tỉnh, mặc dù có sự chỉ đạo rất quyết liệt nhưng ở một số địa phương cán bộ chưa thực sự vào cuộc ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình; Phần lớn các sở, ngành của tỉnh được phân công phụ trách từng tiêu chí nông thôn mới chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, phương pháp đánh giá mức độ đạt được của từng tiêu chí, đồng thời ban hành kế hoạch hành động của ngành để thực hiện tiêu chí theo từng năm, từng giai đoạn; Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên và kịp thời; Công tác tuyên truyền, vận động cũng chưa thường xuyên, liên tục cùng với hình thức chưa phong phú, đa dạng; Trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp nên chưa tiếp thu, nhận thức đầy đủ được tinh thần nội dung chương trình và do nhiều xã chưa có quy hoạch về xây dựng nông thôn mới nên việc xác định lồng ghép các chương trình, dự án đang đầu tư trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn...
( Theo baokontum.gov.vn)
[TT: LPM]