Những “con đường 135” trên đất Cù Lao Dung

Mấy năm trước, từ trung tâm huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) tới các xã chỉ cách khoảng 10km, song nhiều người cảm thấy nản vì phải đi trên những con đường lầy lội vào mùa mưa, bụi mù khi trời nắng và chỉ có xe máy mới đi được. Hiện nay, 50% xóm, ấp có đường giao thông cho xe máy đến trung tâm xã.

Ông Trần Bé Tư, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Với đặc thù là huyện sông nước, có hệ thống kênh rạch chằng chịt. Do đó, việc đầu tư cho giao thông nông thôn là ưu tiên hàng đầu của huyện khi triển khai CT 135. Trước khi triển khai thi công các công trình, chính quyền cơ sở tổ chức họp dân lấy ý kiến, đồng thời vận động nhân dân cùng tham gia theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Khi xây dựng có sự giám sát chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật của nhân dân nên bà con rất an tâm. Thấy được lợi ích của việc xây dựng đường nông thôn, hầu hết các gia đình có công trình đi qua đều ủng hộ, sẵn sàng đóng góp tiền của, vật chất, kiến trúc, thậm chí hiến cả đất mà không đòi hỏi các khoản chi phí bồi hoàn, hỗ trợ khi bị thiệt hại. Huyện đã xây dựng thêm được 24 công trình giao thông bằng bê tông, đạt 87.74% kế hoạch vốn 135 giai đoạn II. Đến nay, các tuyến đường chính được bê tông, nhựa hóa thuận lợi cho xe hai bánh lưu thông cả 4 mùa. Công trình hoàn thành phục vụ thiết thực, giúp cho nhân dân đi lại được êm thuận, vận chuyển hàng hóa và vật tư nông nghiệp được dễ dàng, giảm chi phí trong sản xuất, tăng lợi nhuận nông sản.

Ông Huỳnh Minh Trào, 70 tuổi chia sẻ: “Đường giao thông đi qua ấp Trương Công Nhựt, xã Vĩnh Thạnh Đông đã làm cho cuộc sống của 40 hộ gia đình ở đây thay đổi đáng kể. Hồi đó, tụi tui nghe tin, cả xóm ai cũng háo hức. Mấy nhà có đường giao thông đi qua đều tự nguyện hiến đất và hoa màu. Thêm nữa, đi tham gia làm đường cũng được nhà thầu trả 80.000 đồng/ngày công. Trưởng ấp bảo người ta làm đường này bắt buộc phải thuê lao động địa phương. Vừa có đường giao thông để đi lại, vừa có cơ hội lao động kiếm thêm thu nhập, không có gì vui bằng”.

Có đường bê tông đi lại thuận tiện, chị Nguyễn Thị Nguyệt đem tiền dành dụm mua cho thằng con trai lớn một chiếc xe đạp. Chị tâm sự: “Nhiều hôm trời mưa, tụi nhỏ đi học về gặp đường trơn rồi té ướt sũng quần áo, giờ có đường thuận tiện thì ráng mua cho nó cái xe đạp. Có đường giao thông rồi làm cái gì cũng dễ dàng hơn trước. Nhà có mấy công mía, hồi trước thu hoạch toàn phải thuê người vác ra đường. Tốn kém và vất vả lắm. Giờ xe máy đi được rồi nên thuận tiện”.

Có các công trình 135, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Ông Bé Tư phấn khởi nói: Dựa trên sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, đồng thời, với việc tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất, gắn sản xuất phù hợp với thị trường tiêu thụ, thì trong tương lai, vùng đất này sẽ thoát cảnh đói nghèo, phát triển bền vững”.

Lê San
(Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 88)

[TT: H.T.N]

 In bài viết
Văn bản điều hành