Những đổi thay của An Lão từ thực hiện hiệu quả các chương trình
Ông Nguyễn Trực, Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện An Lão, tỉnh Bình Định cho biết: An Lão là một huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định là một trong 61 huyện nghèo của cả nước đang được Chính phủ đầu tư kinh phí thông qua các Chương trình và dự án để phát triển kinh tế-xã hội. Qua việc triển khai thực hiện Chương trình 135; 134 và các chính sách trợ giá, trợ cước, định canh, định cư ... đã góp phần quan trọng làm thay đổi cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số và ổn định tình hình an ninh, chính trị ở huyện An Lão trong thời gian qua.
Chương trình 135 giai đoạn II (2006 - 2010) toàn huyện An Lão có 6 xã đặc biệt khó khăn và 7 thôn đặc biệt khó khăn ở khu vực II với tổng kinh phí năm 2008 là 8.834 triệu đồng. Từ nguồn vốn của Chương trình 135 ủy ban nhân dân huyện An Lão đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả nhất. Ưu tiên tập trung đầu tư 6 công trình giao thông ở các địa phương: Xã An Toàn, xã An Quang, xã An Dũng... và 3 công trình thủy lợi công trình san cải tạo mặt bằng khu giãn dân với tổng kinh phí 4.800 triệu đồng, giá trị khối lượng thực hiện được 4.221 triệu đồng, vốn giải ngân 3.303 triệu đồng, đạt 68,83% vốn kế hoạch. Trong 7 thôn đặc biệt khó khăn lãnh đạo huyện đã phân bổ ngân sách đầu tư xây dựng 4 nhà văn hóa thôn và 3 công trình thủy lợi với tổng kinh phí 1.050 triệu đồng. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, việc đầu tư phát triển sản xuất từ Chương trình 135 cũng được huyện An Lão triển khai một cách thiết thực và đạt hiệu quả, tạo được sự đồng thuận và phấn khởi trong nhân dân. Từ nguồn vốn được phân bổ 1.410 triệu đồng, trong đó 6 xã đặc biệt khó khăn là 1200 triệu đồng và 7 thôn đặc biệt khó khăn là 210 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên huyện An Lão đã chỉ đạo thực hiện việc mua 30.420 kg phân bón các loại để giúp bà con chủ động trong sản xuất, ngoài ra còn mua 1.050 kg ngô lai và 24.500 kg giống cấp I. Nhờ xác định đúng hướng đầu tư và đầu tư có mục đích nên chương trình dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo ra bước bứt phá trong đời sống của bà con vùng cao An Lão. Đây là cơ sở để góp phần xóa đói giảm nghèo của các xã đặc biệt khó khăn.
Với phương châm “Nâng cao an trí phát triển nhân lực” trong năm 2008 từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện An Lão đã phân bổ cho dự án giáo dục-đào tạo là 299,535 triệu đồng, trong đó 6 xã đặc biệt khó khăn là 120 triệu đồng và 7 thôn đặc biệt khó khăn 105 triệu đồng và số kết dư năm trước là 74,535 triệu đồng cũng bổ sung cho 6 xã đặc biệt khó khăn. Với số vốn đã được phân bổ, huyện đã mở 20 lớp bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư tham dự học tập, số lượt người tham dự lên đến 1055 lượt người. Ngoài ra Dự án nâng cao đời sống nhân dân thực hiện theo Quyết định 112/2007/QĐ-TTg ngày 22/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ cho học sinh các cấp ở các xã đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn, trong năm học 2007-2008 có 279 học sinh mẫu giáo, 568 học sinh Trung học cơ sở bán trú. Năm 2008-2009 học sinh mẫu giáo mầm non có 337 em, học sinh Trung học cơ sở ở các trường bán trú 500 học sinh. Ngoài ra còn hỗ trợ hoạt động văn hóa-thông tin và trợ giúp pháp lý cho 6 xã đặc biệt khó khăn là 24 triệu đồng.
Hiện tại cũng nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án nên huyện An Lão đã thành lập được 6 câu lạc bộ với 30 thành viên trợ giúp pháp lý và tổ chức sinh hoạt tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng và xây dựng tủ sách pháp luật cho từng xã. Ngoài Chương trình 135; 134, năm 2008 huyện An Lão còn thực hiện việc cho đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn sản xuất theo Quyết định 32-TTg và đã có 1 97 hộ được vay vốn với số tiền 985 triệu đạt 98%. Cùng với việc triển khai các dự án vay vốn, phát triển sản xuất, huyện An Lão còn tiến hành xác lập 12 điểm định cư tập trung và 13 điểm định cư xen ghép trên địa bàn huyện của chương trình định canh định cư theo Quyết định 33-TTg. Riêng năm 2008, tỉnh đã cấp 350 triệu hỗ trợ cộng đồng tái định cư và huyện đã phân bổ hỗ trợ cho 10 hộ ở làng Gò Mít và Gò Bùi của thị trấn An Lão tái định cư xen ghép. Ngoài ra huyện còn đang quy hoạch khu định cư tập trung tại sân bay Hòn Chiêng, xã An Nghĩa để phục vụ cho nhân dân trong thời gian tới.
Thời gian qua, cùng với việc quy hoạch khu tái định cư, định canh huyện đã tiến hành công tác hỗ trợ kéo điện sinh hoạt vào nhà cho các hộ đồng bào dân tộc. Qua khảo sát có 385 hộ thuộc 6 xã đặc biệt khó khăn và tổng kinh phí được Sở Công thương thẩm định kinh phí hơn 1 tỷ 400 triệu đồng. Đối với làng Mang Gen khu tái định cư xã An Trung, Uỷ ban nhân dân huyện đã tiến hành khảo sát để giải quyết cho 100 hộ với kinh phí 389,690 triệu đồng. Bên cạnh đó, bằng vốn phân bổ là 180 triệu đồng, Uỷ ban nhân dân đã xúc tiến kéo điện vào nhà khu tái định cư làng Mang Gen cho 57 hộ với kinh phí 208 triệu đồng và tiếp tục hoàn chỉnh để xin giải ngân.
Trong năm 2008, huyện An Lão đã thực hiện chính sách trợ cước trợ giá theo Quyết định 676 của Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy năm 2008, Công ty miền núi đã thực hiện cấp phát cho An Lão là 240 tấn phân bón và 5000 lít dầu.
Riêng nguồn của huyện thì đã trợ cước trợ giá giống lúa cấp I với số lượng 55.978kg với kinh phí 97,79 triệu đồng và trợ cước trợ giá phân bón đã tạm ứng 98 triệu. Công tác báo chí cũng được huyện chú ý nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, cụ thể năm 2008, huyện đã tiếp nhận và cấp phát gần 24.000 tờ báo và tạp chí các loại theo Quyết định 1975/QĐ ngày 20/07/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ vậy mà hiện tại các tạp chí và các số báo đều đến với nhân dân tạo ra kênh thông tin học tập để sản xuất cho bà con ở địa phương An Lão.
Qua thực hiện các Chương trình dự án có thể khẳng định rằng diện mạo nông thôn miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện An Lão, Bình Định đã đổi thay rõ rệt, đời sống đồng bào từng bước được cải thiện và nâng lên một bước. Với những kết quả đạt được từ các Chương trình 135; 134 ở địa phương, ông Nguyễn Trực, Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện cho biết: “Chương trình 135; 134 là luồng gió mới, tạo động lực quan trọng để đồng bào ổn định đới sống, phát triển sản xuất giúp bà con thoát nghèo vươn lên. Nhờ vậy mà An Lão đã từng bước xây dựng quê hương phát triển bền vững đã xứng đáng một vùng quê có truyền thống cách mạng như Đinh Ruối, Đinh Nì”. Cùng chia sẻ với niềm vui được hưởng lợi từ Chương trình 135; 134, thầy Nguyễn Văn Tự - Phó Hiệu trưởng - Chủ tịch Công đoàn trường Trung học cơ sở Bán trú Đinh Ruối cho biết: Nhờ có Chương trình 135; 134 mà địa phương xã An Quang có được cơ ngơi như ngày hôm nay, giao thông đã được nối liền không còn ách tắc. Bây giờ có mưa lũ thế nào chúng tôi cũng ung dung giảng dạy không sợ học sinh nghỉ học như những năm trước”. Tuy nhiên trong niềm vui phấn khởi thì Anh Nguyễn Trực cũng còn những trăn trở: “Các nguồn vốn đầu tư cho các hợp phần thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bố còn chậm gây khó khăn cho dự toán và thực hiện, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng từ Chương trình 135 còn thấp, công tác khai hoang gặp nhiều khó khăn không thể triển khai thực hiện được vì định mức 0,5 triệu/ha lúa nước là quá thấp. Đặc biệt đội ngũ cán bộ các xã đặc biệt khó khăn, chưa đủ năng lực làm chủ các nguồn vốn từ Chương trình 135 đây là vấn đề cần phải tính đến”.
Hiệu quả từ Chương trình 135, 134 đã đem lại cho quê hương An Lão những đổi thay của cuộc sống nơi đây. Nhìn những con đường bê tông xi măng nối từ trung tâm huyện về với các xã và những ngôi nhà ngói khang trang đó là sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến nhân dân An Lão trong sự phát triển đi lên. Chia tay anh Nguyễn Trực, Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện An Lão, người bạn quê hương xứ Hoài, tôi tin tưởng một ngày không xa với sự đầu tư của Chương trình 135, 134 của Chính phủ sẽ đưa huyện An Lão thoát khỏi khó khăn phấn đấu vươn lên làm giàu trên quê hương.
Trần Quý Cử
(Nguồn: Bản tin Chương trình 135 - Số 8/2009)
[TT: H.T.N]