Những ngôi nhà hạnh phúc mang tên “Mái ấm 167”
Trên 1,6 vạn hộ nghèo của tỉnh được sống trong những ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp, ổn định cuộc sống lâu dài... Đó là con số hết sức ấn tượng, thể hiện nỗ lực của tỉnh ta sau hơn 4 năm triển khai, thực hiện Chương trình 167 của Thủ tướng Chính phủ “Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở”.
Chương trình 167 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp các hộ nghèo có nhà ở ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Xác định ý nghĩa cũng như coi đây là cơ hội giúp đồng bào nghèo có nhà ở ổn định, ngay sau khi chương trình có hiệu lực, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương nhanh chóng triển khai, thực hiện với quyết tâm cao. Bước vào triển khai, tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, từ đó đồng thuận tham gia, đồng thời hướng dẫn các xã nhanh chóng rà soát, bình xét, lập danh sách hộ nghèo cần hỗ trợ xây nhà ở theo đúng tiêu chí, mục tiêu chương trình đề ra.
Đồng chí Hoàng A Chinh, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Chương trình 167 có ý nghĩa nhân văn lớn nên khi triển khai gặp nhiều thuận lợi. Trước hết là cơ chế chương trình rõ ràng, phần nào được Nhà nước hỗ trợ, phần nào vay vốn ngân hàng và phần nào do dân đóng góp nên tạo sự chủ động cho chính quyền các cấp cũng như người dân. Mức hỗ trợ cho một hộ cũng cao hơn so với một số chương trình triển khai trước kia như 134, 135 nên giúp hộ nghèo bớt khó khăn và quyết tâm hơn. Ngoài tiền hỗ trợ của Nhà nước, tiền vay Ngân hàng CSXH tỉnh, nhiều địa phương còn lồng ghép các nguồn vốn nhằm gúp hộ nghèo có thêm tiềm lực xây nhà kiên cố. Đặc biệt, một số huyện được hỗ trợ từ các doanh nghiệp nhận đỡ đầu huyện nghèo theo Chương trình 30a, như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam hỗ trợ huyện Quản Bạ, Yên Minh kinh phí xóa hàng nghìn nhà tạm. Mặt khác, đây là chương trình lớn của Đảng, Nhà nước nên công tác tuyên truyền, vận động được tập trung thực hiện đã tạo sự đồng thuận, ý thức tự giác cho hộ nghèo trong việc đăng ký làm nhà, đồng thời nhận được sự quan tâm của xã hội, nhất là đã phát huy được sức dân góp công, góp sức hỗ trợ người nghèo làm nhà mới”. Trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương còn xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ hộ nghèo mua và khai thác vật liệu với chi phí thấp nhất. Anh Đỗ Viết Hợp, Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, cho biết: “Nhằm hoàn thành mục tiêu, kế hoạch xây dựng nhà ở kiên cố cho hộ nghèo theo đăng ký hàng năm, huyện triển khai cơ chế riêng, giúp các hộ có thêm điều kiện thực hiện theo kế hoạch, nổi bật là cơ chế hỗ trợ mua máy nghiền đá cho các thôn, bản sản xuất bột đá tại chỗ làm gạch xây nhà. Với nhóm hộ tự xây nhà, tối thiểu có 5 hộ trở lên; các tổ thợ làm từ 10 nhà trở lên được hỗ trợ 5 triệu mua máy nghiền đá. Hỗ trợ cho các hộ tự làm nhà xây 1 khuôn đóng gạch tại nhà...”. Cùng với đó, các hộ nghèo cũng huy động tối đa nguồn lực gia đình, vay mượn anh em, bạn bè để xây dựng nhà ở vững chãi với phương châm “nền cứng, mái cứng, vững tường”...
Từ những thuận lợi trên cộng với cơ chế, chính sách đặc thù của từng địa phương, sau hơn 4 năm, tỉnh ta đã hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ về xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Theo rà soát của các huyện, từ năm 2009 đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 16.392 hộ nghèo đăng ký xây dựng nhà theo Chương trình 167. Tính đến cuối năm 2012, hoàn thành xây dựng nhà mới cho 16.199 hộ, có 193 hộ đã khởi công xây dựng và đang hoàn thiện. Số vốn huy động từ các nguồn lực để thực hiện trên 305 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách T.Ư gần 140 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương gần 4 tỷ đồng; vốn dân vay Ngân hàng CSXH trên 117 tỷ đồng; vốn huy đồng các nguồn hỗ trợ từ tổ chức, xã hội trên 45 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân được 286 tỷ đồng.
Sống trong những ngôi nhà mới khang trang, nhiều hộ nghèo đã thực hiện được mơ ước cả đời mình. Anh Ly Pà Phừ, thôn Thâm Luông, xã Du Già (Yên Minh) vui vẻ lắm: “Năm 2009, gia đình được hỗ trợ xóa nhà tạm theo Chương trình 167 cộng với nguồn vốn hỗ trợ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và vốn vay mượn của gia đình, tôi xây được ngôi nhà mái bằng kiên cố, sạch đẹp, vững chắc. Đó là mơ ước từ đời cha, đời tôi mà nếu không có sự hỗ trợ từ Chương trình 167 thì thật khó thực hiện”. Niềm vui của anh Phừ là niềm vui chung của hơn 1,5 vạn hộ nghèo được sống trong những mái ấm với chung một tên gọi “Mái ấm 167”.
Tuy nhiên, quá trình triển cũng xuất hiện khó khăn: Vì là chương trình xây nhà ở cho hộ nghèo, phần lớn các hộ được nhận hỗ trợ đều ở các xã vùng cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên khi phải bỏ thêm tiền, phải trả nợ Ngân hàng CSXH nên chất lượng cuộc sống sau khi có nhà mới có phần giảm đi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các hộ khó có thể thoát khỏi đói nghèo trong thời gian dài. Sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng dù tăng cao hơn so với một số chương trình triển khai trước nhưng so với yêu cầu thực tế, cộng với giá vật liệu xây dựng không ngừng tăng cao thì còn quá nhỏ. Mặt khác, do công tác rà soát ở cơ sở chưa chính xác nên việc bổ sung số lượng nhà hàng năm phát sinh cao, dẫn đến nguồn vốn từ T.Ư cấp chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cũng như chất lượng công trình của dân...
Có thể khẳng định, nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, cùng sự hưởng ứng tích cực từ mỗi gia đình, cộng đồng nên Chương trình 167 được triển khai, thực hiện nhanh, đạt kết quả tốt. Số hộ dân được sống trong những ngôi nhà khang trang đã yên tâm sinh sống trên mảnh đất quê hương, cùng quyết tâm phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo
( Theo baohagiang.vn)
[TT: LPM]