Những thay đổi từ Chương trình 135 ở Lào Cai
Bát Xát và Bắc Hà là hai huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai có nhiều dân tộc sinh sống. Điều kiện tự nhiên bất lợi cho sản xuất nông nghiệp với địa hình chủ yếu là đồi núi với độ dốc lớn, song nhờ nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước trong những năm qua, cuộc sống của người dân đã được cải thiện đáng kể.
Trên địa bàn huyện Bát Xát giờ đây đã hình thành nhiều mô hình làng thanh niên lập nghiệp; xây dựng được nhiều công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân; người dân cũng đã biết phát triển sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh theo thế mạnh của từng vùng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 54% (năm 2005) nay chỉ còn 19,3%. Giá trị trên một đơn vị canh tác đạt hơn 30 triệu/ha... như trang trại trồng ớt của gia đình anh Phàn A Tón ở thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường là một ví dụ điển hình. Hiểu rõ muốn sản xuất với quy mô lớn nhưng chỉ có diện tích đất ít ỏi của gia đình mình thì không thể làm được nên anh đã mạnh dạn kêu gọi bà con cùng làm, đặc biệt là vận động các hộ nghèo trong vùng cùng góp đất, chung sức sản xuất. Giờ đây, diện tích canh tác của gia đình Phàn A Tón đã được mở rộng hơn 10ha, trong đó có 7ha trồng ớt, 3ha trồng cà chua. Mỗi ha cà chua cho năng suất 60 tấn, ớt từ 30-35 tấn. Giá trị kinh tế mỗi ha mang lại khoảng 30 triệu đồng/ năm. Mô hình sản xuất của Phàn A Tón không chỉ mang lại một nguồn thu lớn cho gia đình mà còn tạo việc làm cho khoảng 70 lao động trong thôn với thu nhập bình quân gần 2 triệu đồng/người/tháng. Về Tân Tiến có thể cảm nhận rất rõ khí thế thi đua sản xuất của người dân nơi đây. Cảm nhận rõ nét nhất là tư duy và tập quán sản xuất của người dân vùng cao đã có nhiều chuyển biến, từ sản xuất manh mún, tự sản, tự tiêu đã từng bước chuyển sang mô hình sản xuất hàng hóa tập trung.
Còn tại huyện Bắc Hà, từ trước đến nay, đồng bào dân tộc nhiều thôn, xã của huyện vốn có tập quán sống phân tán, rải rác, dựng nhà tạm bợ. Nhưng nhờ công tác tuyên truyền, vận động, bà con đã dần dần nhận thức được phải làm nhà kiên cố để ổn định chỗ ở lâu dài, phải xóa nhà tạm, nhà dột nát, sống tập trung hơn. Trình độ dân trí cũng được nâng lên đáng kể, có xã có đến 13 sinh viên đang học đại học. Bắc Hà có nhiều gương phát triển chăn nuôi giỏi. Cùng với phổ biến, nhân rộng những điển hình làm kinh tế giỏi này, nhiều xã còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ nghèo; tổ chức tham quan học hỏi, giao lưu kinh nghiệm giữa các huyện với nhau. Nhờ vậy, các mô hình sản xuất khi triển khai đều được bà con hưởng ứng và đạt hiệu quả cao như mô hình trồng ngô ở xã Cốc Lầu, mô hình trồng lúa ở xã Bản Già. Sau 4 năm thực hiện Chương trình 135, huyện đã huy động được hơn 11 tỷ đồng, phục vụ chủ yếu cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Rất nhiều công trình đường giao thông liên thông, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt… đã được xây dựng để phục vụ đời sống hàng ngày của bà con.
Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã trở thành nguồn lực lớn, tạo điều kiện để các xã, huyện nghèo ở Lào Cai đẩy nhanh quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ đường giao thông, nhà ở, điện, nước sinh hoạt, cải thiện và mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho bộ mặt nông thôn miền núi. Người dân hai huyện Bát Xát, Bắc Hà nói riêng và người dân các vùng thuộc diện Chương trình 135 đã sử dụng và phát huy có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cùng với ý thức tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hàng năm giảm nhanh từ 41,03% (năm 2006) xuống còn 20,43% năm 2009, trong đó vùng 135 giảm từ 52,5% xuống còn 33,52%; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt hơn 12%; 100% số xã của Lào Cai đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 80% số xã có đường đến tất cả các thôn, bản; hệ thống thủy lợi bảo đảm nước tưới ổn định cho 75% diện tích ruộng; 99% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm. Đặc biệt, các xã đều có trạm y tế, trong đó có 40% số trạm đạt chuẩn quốc gia y tế. Đáng chú ý, nhờ thực hiện tốt Chương trình 135 giai đoạn II, trong năm 2008, Lào Cai có 3 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn là Suối Thầu, Tả Giàng Phìn và xã Bản Cầm… Một trong những kinh nghiệm để Lào Cai đạt được những kết quả tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là đã xây dựng được các mô hình điển hình trong phát triển sản xuất, từ đó nhân rộng, phổ biến trong cả cộng đồng.
Thủy Ngân
(Theo Báo Đại biểu nhân dân)
[TT: NTV]