Niềm hạnh phúc mang tên 135
Trước đây, nói đến nông thôn, người ta thường nghĩ về vùng quê nghèo đói, lạc hậu với những hủ tục; nhiều người ví nông thôn là “sân sau” của đô thị. Bây giờ thì khác. Đất nước mở cửa, nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường, CT mục tiêu quốc gia, vốn Chương trình 135 đầu tư cho các xã ĐBKK, vị thế nông thôn được nâng lên và đang trên lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, bức tranh nông thôn có nhiều khởi sắc... CT 135 đi vào cuộc sống, phát huy sức sáng tạo, ý chí, nguồn lực của toàn xã hội, làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng ĐBKK; đời sống đồng bào DTTS từng bước phát triển bền vững.
Mặc dù chưa một lần chạm tay vào máy vi tính, nhưng khi thấy con gái khoe tìm thấy điểm thi đại học và thông tin giá sách vở trên mạng Internet, ông Lò Văn Mấng, nông dân bản Ló, xã Thanh Luông (tỉnh Điện Biên) ngỡ ngàng thốt lên: “Tài thật, cái gì In-tơ-nét nó cũng biết! Có công nghệ thông tin như thế này, nông dân không phải đi xa mà vẫn có thể học tập kiến thức phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Nông thôn thực sự đổi mới, Thanh Luông đã thoát khỏi diện xã ĐBKK rồi!”.
Bà Lèng Thị Páy, xã Mường Nhé kể rằng, cách đây chừng chục năm, đường giao thông vào huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu cũ) chủ yếu là đường đất, đường dân sinh trong rừng. Đồng bào đi lại phải “cuốc” bộ. Chẳng hạn muốn đến A Pa Chải chỉ cách duy nhất là băng qua những cánh rừng “mây trên đầu và suối dưới chân”, cứ đi khoảng nửa tháng thì đến nơi. Vậy mà ngày nay, con đường đã rộng thênh thang, chạy suốt từ thành phố lên đến A Pa Chải - bản cuối cùng của cực Tây của Tổ quốc...
Tính đến nay, cả nước có hơn 900 xã đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nhiều xã 135, xã biên giới. CT 135 cùng với các nguồn vốn khác thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, vùng DTTS. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống tiếp tục được đầu tư xây dựng và phát huy tác dụng, thúc đẩy KT – XH phát triển. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, bước đầu hình thành những vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá, phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, dịch vụ nông nghiệp; nghề thủ công truyền thống từng bước được khôi phục, mở rộng. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn khẳng định: Việc triển khai CT 135 là quyết định đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng nhân dân, tạo diện mạo mới cho vùng ĐBKK, là tiền đề để đồng bào vươn lên phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Với bản làng cheo leo trên sườn núi, đồng bào khao khát có con đường để giao lưu, phát triển. Và CT 135 đáp ứng nguyện vọng người dân vùng ĐBKK. Hơn 4 năm qua, số vốn trên 7.892 tỷ đồng, toàn quốc xây dựng 12.646 công trình: xây dựng 3.375 công trình giao thông (đường nông thôn mở mới 17.572km; nâng cấp 47.340 km). Tổng vốn đầu tư công trình thuỷ lợi 2.876 tỷ đồng, các xã 135 chiếm 28% tổng vốn đầu tư, xây dựng 2.393 công trình. Nguồn 135 kết hợp, xây dựng 2.478 công trình trường học, 1.573 công trình nước sinh hoạt; 995 công trình điện lưới; xây dựng 367 công trình chợ, 489 công trình trạm y tế, 976 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng. Năm 2009 - 2010 hoàn thiện 290 trung tâm cụm xã dở dang và xây dựng mới 35 trung tâm cụm xã ở biên giới. Hầu hết các trường THPT được trang bị phòng máy tính để dạy học; nhiều trường học nối mạng internet; 86% xã 135 có điểm bưu điện văn hoá xã...
Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ nhất (5/2010), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: Đồng bào các DTTS đã đồng lòng, chung sức, từng bước làm “thay da đổi thịt” vùng dân tộc và miền núi. Trong những năm qua, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện cho nông thôn vùng dân tộc và miền núi có nhiều tiến bộ rõ rệt, to lớn và quan trọng, phát triển các mặt KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Điều đáng ghi nhận nữa là, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện; công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của các dân tộc được coi trọng...
Xuân Vũ
(Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 88)
[TT: H.T.N]