"Nông thôn mới" trên rẻo cao
Từ đường 12A, chúng tôi vượt cầu tràn Lơr-noong trên thượng nguồn sông Gianh để vào Ra Mai, một làng của đồng bào dân tộc thiểu số xã Trọng Hóa (Minh Hóa - Quảng Bình). Làng Ra Mai được biết đến như là nơi “đất lành chim đậu” của mấy chục hộ dân người Tà Ôi, Khùa, Bru-Vân Kiều.
Đồng chí Đinh Minh Chất, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, huyện chủ trương xây dựng Ra Mai thành mô hình nông thôn mới trên rẻo cao. Điều này hơi lạ, bởi từ trước đến nay, khái niệm nông thôn mới chỉ xuất hiện ở những nơi hội đủ điều kiện. Như đọc được băn khoăn của chúng tôi, đồng chí Chất với tay lấy cuốn sổ bìa đỏ, giọng nói đầy phấn chấn: “Ban đầu ai cũng nghĩ là khó lắm vì mình chưa có cơ chế, trong khi Minh Hóa lại là huyện nghèo, không có nguồn lực. Nhưng thật may Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng đã tạo cơ hội cho chúng tôi và bà con”.
Trên cơ sở Nghị quyết, Minh Hóa triển khai từng bước “kế hoạch tác chiến”. Ban thường vụ Huyện ủy thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Đinh Minh Chất làm tổng chỉ huy. Mục tiêu là ổn định dân cư; hoàn thiện và ổn định cơ sở hạ tầng; tiến tới nâng cao đời sống của người dân. Bằng nhiều nguồn vốn, hệ thống đường dẫn nước sinh hoạt được dẫn về bể trung tâm; hệ thống điện, đường hoàn thiện vào năm 2007; đầu năm 2008, trường tiểu học được khánh thành và đầu năm 2009, trạm y tế đi vào hoạt động.
Ban chỉ đạo xác định, việc thay đổi nhận thức của người dân chính là yếu tố quan trọng để xây dựng “nông thôn mới”. Vì vậy, Đảng ủy, chính quyền các cấp cũng như bộ đội biên phòng đã tăng cường lực lượng bám làng, bám dân, vận động bà con học cách làm mới. Những mảnh nương, rẫy mới được khai phá, trồng cây có bón phân...
Quan trọng hơn, bóng dáng một làng “nông thôn mới” đã dần định hình. Từ nhà của Trưởng thôn Hồ Đeng phóng tầm mắt bao quát khu định cư Ra Mai, chúng tôi cũng cảm nhận được phần nào, không còn gia súc thả rông, nhà nào cũng có khu vệ sinh,... Trưởng thôn Hồ Đeng lấy cuốn sổ nhỏ chi chít chữ trịnh trọng thông báo: “Năm học này làng mình có 47 cháu trong độ tuổi được đến lớp. Các hủ tục trong việc cưới, việc tang cũng đã bị loại bỏ, giảm được nhiều phiền hà và tốn kém. Cán bộ và bộ đội giúp cho mình nhiều cách làm ăn nên làng mình bớt khổ rồi”.
Trần Thường
(Nguồn: kinhtenongthon.com.vn)
[TT: H.T.N]