Mỗi ngày, chị Ka Hén (thôn 3, xã Lộc Tân) đều đặn đến Nông trường Trà Tâm Châu để làm việc. Công việc của chị là hái chè. Công việc này đã gắn bó với chị từ 7 năm nay và giúp chị có thu nhập ổn định. Chị cho biết, trước đây chưa có Nông trường Trà Tâm Châu thì chị và nhiều chị em phụ nữ khác trong buôn không có việc làm ổn định. Hàng ngày, các chị chủ yếu ở nhà để chăm sóc con cái hoặc đi rừng bẻ măng. Do đó, cuộc sống hàng ngày rất bấp bênh; cái ăn, cái mặc trong gia đình đều phải lo từng bữa. Từ khi đến làm việc cho Nông trường, Ka Hén đã có thu nhập ổn định khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, phụ giúp bố mẹ một phần để lo cuộc sống gia đình và lo cho đứa em trai đang học lớp 11. Phần còn lại, chị tự trang trải cho cuộc sống riêng. Sau một thời gian làm việc tại Nông trường, chị đã có tiền mua xe gắn máy.
Còn đối với anh K’Rành, Đội trưởng Đội hái chè, trước đây chủ yếu “đi rừng” để kiếm cái ăn hàng ngày. Từ khi có Nông trường, anh đã xin vào đây làm việc. Anh tâm sự: “Cuộc đời mình làm lâm tặc hai mươi mấy năm rồi. Nhờ có Nông trường mà mình được đổi đời!”. Sau hơn 1 năm làm việc tại Nông trường, anh K’Rành được bầu làm Đội trưởng Đội hái chè. Với chức vụ Đội trưởng, lương một tháng của anh K’Rành là 3 triệu đồng. Có công ăn việc làm ổn định, anh “kéo” cả vợ và 2 con cùng vào làm việc tại Nông trường. Thu nhập bình quân của cả gia đình khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Điều vui mừng là anh K’Rành đã sử dụng một nửa trong khoản lương ít ỏi này của gia đình để đầu tư lại cho vườn chè mình; số còn lại chi phí cho cuộc sống hàng ngày, chứ không ăn nhậu hết như trước nữa. K’Rành ý thức rất rõ vai trò Đội trưởng: “Làm Đội trưởng khó lắm, vì mình phải làm gương, phải có trách nhiệm, phải nói, phải làm sao cho bà con hiểu, bà con làm việc thật tốt!”.
Hiện tại, số lao động thường xuyên làm việc tại Nông trường khoảng 500 người. Trong đó, lao động nữ chiếm 90%. Đa phần lao động làm việc ở công đoạn chăm sóc và hái trà. Nông trường quản lý lao động theo từng hộ, nên mỗi khi có lao động nghỉ do bận việc hoặc ốm đau, thì được bố trí người khác trong hộ đi làm thay. Do vậy, trên thực tế số lao động Nông trường quản lý lên đến 700 người. Anh Trần Duy Định, Phó Phòng Tổ chức hành chính Nông trường, cho biết: “Không chỉ giải quyết công ăn việc làm, Nông trường còn hướng dẫn đồng bào DTTS về kỹ thuật và quy trình chăm sóc chè. Đôi lúc, Nông trường còn “nắm tay chỉ việc” để giúp họ biết cách làm ăn!”.
Từ khi làm việc cho Nông trường, nhiều bà con đã tiếp cận được khoa học kỹ thuật, vừa để làm tốt công việc ở Nông trường, vừa biết cách chăm sóc tốt cho vườn chè nhà mình. Nếu trước đây, sử dụng nông dược theo cảm tính, thì nay họ đã biết “bệnh nào phải dùng thuốc ấy”. Đặc biệt là nhiều bà con đã trồng thử nghiệm chè Oolong tại vườn. Tuy chưa được thành công, do hạn chế về vốn, nhưng chứng tỏ là bà con đã từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, chủ động để phát triển kinh tế chứ không trông chờ ỷ lại như trước đây nữa.
“Nếu trước đây khi mới thành lập Nông trường, bà con phải đi bộ khoảng 4 - 5 cây số từ thôn 3 (Lộc Tân) để đến Nông trường, thì nay trên 95% đồng bào đã đi xe máy. Ý thức của đồng bào DTTS cũng đã thay đổi. Trước đây, hễ nhận lương xong là hôm sau nghỉ ở nhà uống rượu, nhưng nay họ đi làm bình thường, dành tiền để lo cho con cháu ăn học hoặc mua sắm đồ dùng trong gia đình. Mình hướng cho họ như thế và họ cũng nhận thức được điều ấy!” - Anh Trần Duy Định cho biết.