Pa Thơm ngày mới
Cách trụ sở UBND xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chỉ hơn 500 mét là bản Pa Xa Lào - nơi sinh sống của 46 hộ, trên 200 nhân khẩu dân tộc Lào. Theo tiếng dân tộc ở đây, Pa Xa nghĩa là ngã ba. Nơi bà con được lập bản chính là ngã ba Huổi Xa. Vì thế bản người Lào gọi là Pa Xa Lào; còn bản của người Khơ-mú gọi là Pa Xa Xá.
Theo ông Lò Văn Nhúng, dân tộc Lào - nguyên Bí thư Đảng ủy xã, người đã gắn bó với Pa Thơm suốt 45 năm qua, đồng bào các dân tộc Kinh, Khơ-mú, Lào ở đây sống gắn bó và tình cảm lắm. Từ việc dựng nhà mới, ăn Tết, lấy vợ, lấy chồng. Hồi trước, người Khơ-mú chưa biết dệt váy; người Lào biết dệt váy, vậy là họ truyền dạy cho nhau. Và rồi trong sự giúp đỡ giao lưu, trao đổi ấy không ít cặp trai giái yêu nhau, rồi lấy nhau…
Từ năm 2004 trở lại đây, Pa Xa Lào có nhiều cái mới trong đời sống kinh tế - xã hội, từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến phong tục tập quán, nếp nghĩ, cách làm, bỏ cái cũ, tiếp thu cái mới... Hằng tuần, vào thời gian nhất định, trưởng thôn đánh trống để bà con dân bản làm vệ sinh nhà cửa, chuồng trại. Chuồng trâu, chuồng bò được đưa ra xa nhà, không nuôi dưới gầm sàn như trước nữa. Được sự giúp đỡ, chỉ bảo của cán bộ xã, huyện về phương thức sản xuất, chăn nuôi, bà con không còn lo đói. Hiện ở Pa Xa Lào, nhà nào cũng có xe máy, thậm chí có nhà 2 chiếc. Bản có 46 hộ, năm 2009 có 9 hộ nghèo, còn lại là hộ trung bình, năm nay còn 4 hộ nghèo.
Một điều dễ nhận thấy ở Pa Xa Lào, gần như nhà nào cũng có bộ khung cửi kê dưới gầm sàn hoặc trên nhà; 100% nhà trong bản đã được ngói hoá, đồ đạc trong nhà được trang trí gọn gàng, đẹp mắt; đường làng phong quang, sạch sẽ. Ông Lò Văn Pản, Bí thư chi bộ bản Pa Xa Lào phấn khởi: “Thực hiện Chương trình (CT) 135 giai đoạn II, bà con mình được hỗ trợ rất nhiều, như máy xay, máy tuốt, máy nghiền, được hỗ trợ về giống gà, ngan, trồng tre bát độ nên đời sống giờ sung túc rồi!”.
Bí thư Đảng ủy xã Pa Thơm đương chức cũng có tên là Lò Văn Nhúng. Ông thuộc lòng tất cả các chương trình, các công trình đã và đang thi công trên địa bàn xã: CT 160 là vốn của biên giới Việt - Lào, xã đang xây nhà nội trú dân nuôi khoảng 700 triệu đồng. Đường điện từ bản Noong Luống về trung tâm xã là 14km, có 3 bản và 120 hộ được thụ hưởng lưới điện quốc gia từ CT 135. Gần 20 tỉ đồng là nguồn vốn lồng ghép từ CT 135 với các chương trình khác để làm 15 km đường liên thôn...
Theo ông Nhúng, chỉ còn 200 mét đường vào bản Huổi Moi nữa là 100% bản trong xã có đường ô tô, đảm bảo đi được cả hai mùa. Điện đã đến được 3 bản. Nước sinh hoạt còn 2 bản với 66 hộ chưa có. Xã đã có tổng đàn trâu 500 con, khoảng 400 con bò, trên 500 con lợn và đàn gà vịt khoảng 5.000 con… Thu nhập bình quân đầu người toàn xã hiện ước đạt 3 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất ổn định, nhiều gia đình quan tâm hơn đến việc học hành của con trẻ. Tỷ lệ trẻ ra lớp đúng độ tuổi ở Pa Thơm đạt gần 100%. Giờ đây, đồng bào các dân tộc ở Pa Thơm đều hiểu, được đi học, biết cái chữ vẫn hơn. Ông Quàng Văn Lún, Trưởng bản Pa Xa Xá bộc bạch: “Được Nhà nước cho đi học, tập huấn, có trình độ, có hiểu biết các dân tộc anh em ở địa phương đã hiểu và gần gũi, giúp đỡ nhau được nhiều hơn, tình đoàn kết được thắt chặt hơn”.
Quãng đường từ trung tâm xã Pa Thơm đến trung tâm huyện Điện Biên là 25 km, đi xe máy chỉ mất 1 giờ đồng hồ, nhưng từ Pa Thơm đi các bản xa thì phải mất cả ngày đường đi bộ. Hơn nữa, các bản xa trung tâm còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đời sống kinh tế - văn hóa còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo ở Pa Thơm mỗi năm giảm bình quân từ 3-5%, nhưng chưa bền vững. Tìm hướng đi đúng cho đồng bào các dân tộc nơi này thoát nghèo bền vững chính là tâm tư của Bí thư Lò Văn Nhúng: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc giảm nghèo bền vững, nếu không rất dễ tái nghèo. Cần phải hướng dẫn bà con thâm canh tăng năng suất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương hoặc chuyển đổi ngành nghề, dịch vụ, như du lịch. Xã có động Pa Thơm, nếu biết khai thác thì đây sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút đầu tư và du khách, tạo việc làm ổn định cho bà con”.
Hướng khai thác du lịch từ động Pa Thơm như lời Bí thư Đảng ủy xã Pa Thơm là một hướng đi mới, nhưng bà con các bản trong xã cũng đã sớm làm quen. Bởi thời gian qua, khi du khách tìm về thưởng ngoạn thắng cảnh này đã nghỉ lại qua đêm ở Pa Xa Lào, được thưởng thức các món ăn của dân tộc Lào, được hòa mình trong điệu múa Lăm Vông và nghe những bài dân ca Lào bên ánh lửa bập bùng. Sức sống Pa Thơm phải chăng được hình thành từ chính các bản làng như thế?
Minh Thu
(Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển)