Phát huy nội lực để xây dựng nông thôn mới

Đề án xây dựng nông thôn mới đã được triển khai tại 17/116 xã, thuộc các huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), từ năm 2009 đến nay. Theo đánh giá của cơ quan quản lý, hiệu quả của chương trình chưa được như mong muốn, chính vì vậy, thời gian tới, tỉnh cần tập trung phát huy nội lực để có thể thực hiện các mục tiêu của đề án.

Thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới tỉnh Điện Biên, đến thời điểm này đã có 6/116 xã trong tỉnh đạt từ 10-14 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, gồm xã Thanh Chăn, Thanh Xương, Noong Hẹt, Thanh Luông, Thanh Hưng và Thanh An, đều thuộc huyện Điện Biên. Đây đều là những xã nằm trong lòng chảo Điện Biên Phủ, thuộc những vùng thuận lợi nhất của tỉnh; người dân nơi đây có truyền thống cần cù lao động, phát triển kinh tế gia đình và xã hội.

Trong những xã trên, có Thanh Chăn là 1/11 xã điểm của toàn quốc được chọn để thí điểm xây dựng nông thôn mới và là xã dẫn đầu toàn tỉnh trong Chương trình xây dựng nông thôn mới với mức thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 6,9 triệu đồng vào năm 2009 lên 12,75 triệu đồng vào năm 2013. Tuy nhiên, đến nay xã cũng mới chỉ đạt được 13/19 tiêu chí, trong đó tiêu chí về chợ nông thôn và mức thu nhập đầu người chưa đạt một nội dung nào; trong khi nguồn kinh phí đầu tư cho địa phương này đã lên tới trên 100 tỷ đồng.


Trường PTCS xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) là quê hương Anh hùng liệt sĩ thiếu niên Vừ A Dính, vừa được xây dựng khang trang.

Năm 2015, tỉnh Điện Biên phấn đấu mỗi xã bình quân hoàn thành thêm 2 tiêu chí về nông thôn mới và có từ 3-4 xã trong tổng số 116 xã toàn tỉnh đạt chuẩn; phấn đấu chỉ còn 50% số xã đạt dưới 5 tiêu chí vào năm 2014 và 20% vào năm 2015.

Ngoài các xã trên, mới có 15 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, 95 xã còn lại chỉ đạt dưới 5 tiêu chí. Những tiêu chí khó đạt nhất đối với các địa phương là mức thu nhập và phương án sản xuất.

Ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, cho biết: Sau 4 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới, tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là năng lực và nhận thức của chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương còn rất hạn chế. “Đơn cử như những đề xuất từ lãnh đạo chính quyền các xã của tỉnh đều chỉ tập trung xin tăng vốn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Không một địa phương nào đề xuất tới phương án sản xuất; chuyển dịch cơ cấu lao động nâng cao thu nhập người dân; huy động nội lực từ cộng đồng và ý thức trách nhiệm của người quản lý... “Bởi vậy, quan điểm của cơ quan thường trực Chương trình là phải triển khai chất lượng từ từng phần việc, căn cứ vào những yêu cầu cấp thiết của mỗi địa phương, với mục tiêu là “cố gắng đạt” chứ không phải “phấn đấu đạt”, thực hiện bằng việc phát huy nội lực của từng thôn, bản cho đến xã, từng cá nhân cho đến cộng đồng”, ông Phạm Đức Hiển cho biết.

 In bài viết
Văn bản điều hành