Phát huy vai trò người uy tín trong xây dựng quê hương

Những năm qua, huyện Trùng Khánh đã phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trở thành nòng cốt của các phong trào thi đua yêu nước, là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc.

Huyện Trùng Khánh có 3 dân tộc Tày, Nùng, Kinh cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 11.922 hộ, chiếm 98,8% dân số của huyện. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với các điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, trình độ dân trí không đồng đều..., nên ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội địa phương, huyện đã tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận xã hội trong công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín. Hiện nay huyện Trùng Khánh có 231 người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người có uy tín trên địa bàn huyện đa số là những người lớn tuổi, đã nghỉ hưu hoặc tham gia các chức danh tại các xóm, bản, tổ dân cư, già làng, người có kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, các cấp ủy, chính quyền cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín. Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất, huyện cung cấp thông tin cho người có uy tín về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương.

Từ năm 2012 đến nay, huyện đã mở 9 lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc với trên 1.700 lượt người có uy tín tham gia. Qua đó, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nắm được thông tin phản hồi từ người có uy tín để đề xuất, phản ánh đến các cấp, các ngành làm cơ sở cho việc định hướng chỉ đạo tốt hơn, tạo mọi điều kiện giúp cho người có uy tín trao đổi kinh nghiệm, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Người có uy tín tham gia cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở; đảm đương các chức vụ, như: Hội Cựu chiến binh, bí thư chi bộ, trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân cư, ban công tác Mặt trận và các đoàn thể. Từ đó, tạo niềm tin cho đồng bào dân tộc thiểu số về sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đồng thời, huyện còn tạo điều kiện thực tế phù hợp với người uy tín để họ được tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tham gia các phong trào phát triển sản xuất, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và các phong trào khác ở địa phương.

Ông Nông Chí Ngôi, người uy tín của xóm Đông Quan, xã Phong Châu đã phát huy tốt việc vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa xã về đích nông thôn mới. Ông Ngôi tâm sự: Đời sống của nhân dân còn khó khăn nên việc thực hiện Chương trình nông thôn mới vẫn còn có một số người tâm lý trông chờ, ỷ lại. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chúng tôi luôn phối hợp tốt với Ban Mặt trận xóm, già làng, trưởng xóm bổ sung hương ước, quy ước, kiện toàn ban hòa giải xóm gắn với trách nhiệm của cộng đồng trên cơ sở lấy tình làng nghĩa xóm để khuyên bảo nhau, tạo sự gắn kết. Từ đó đã huy động hiệu quả nguồn lực trong nhân dân để xây dựng nhà văn hóa, sửa chữa và cải tạo các tuyến đường nông thôn. Từ năm 2011 đến nay đã có 21 hộ dân trong xóm hiến 3.787 m2 đất, ủng hộ 116 triệu đồng, 1.519 ngày công làm được trên 2.000 m đường nông thôn; trong đó gia đình tôi đóng góp trên 80 m2 đất...

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội được người có uy tín cùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tích cực tham gia. Qua các hoạt động vì cộng đồng, nhiều người có uy tín đã trở thành điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư Chương trình 135, đề án của huyện nhằm tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần giảm bớt số hộ nghèo, hộ khó khăn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, tỷ lệ thoát nghèo của huyện đạt trên 3%, năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 4.040 hộ, chiếm 33,05%.

Công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc không chỉ là công việc của các cấp chính quyền mà còn là sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó những người có uy tín tại địa phương có vị trí, vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện. Trong năm 2017, có 231 làng, tổ dân phố đăng ký đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt 100% kế hoạch; 9.883 hộ dân đăng ký gia đình văn hóa, đạt 81% kế hoạch. Việc đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt các quy ước, hương ước cộng đồng đã từng bước xây dựng nếp sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục tại địa phương.

Trong thực hiện chính sách đối với người có uy tín, huyện kịp thời biểu dương, khen thưởng những người uy tín có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, tích cực thực hiện và vận động đồng bào dân tộc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, làm nòng cốt cho các phong trào ở địa phương. Trong 5 năm trở lại đây, nhân dịp Tết Nguyên đán, các cấp, ngành của huyện đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà tết cho 1.000 lượt người có uy tín trị giá trên 430 triệu đồng; thăm hỏi và hỗ trợ kịp thời người có uy tín khi ốm đau, gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn trên 20 triệu đồng. Tổ chức biểu dương, khen thưởng 159 lượt người có uy tín đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Phó trưởng phòng Dân tộc huyện Trùng Khánh Hoàng Thị Trang cho biết: Những người có uy tín trong cộng đồng đã tích cực tham gia các phong trào của địa phương, có uy tín và khả năng tập hợp lòng dân, là những nhân tố tích cực trong việc triển khai các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như giúp đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, duy trì trật tự an ninh, xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương. Tiếp tục phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới phòng phối hợp tham mưu cho huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ chính trị cụ thể của địa phương, như: Gương mẫu thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Chương trình xây dựng nông thôn mới..., góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

 In bài viết
Văn bản điều hành