Phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS
Thành phố Đà Lạt là nơi sinh sống của 20 dân tộc anh em. Ngoài dân tộc Kinh chiếm khoảng 96,8% dân số của thành phố, 19 dân tộc thiểu số còn lại có 1.686 hộ với 6.657 nhân khẩu. So với 5 năm trước (2009), các dân tộc thiểu số trên địa bàn Đà Lạt tăng thêm 400 hộ, 593 nhân khẩu. Trong 5 năm qua (2009 - 2014), Đảng bộ, chính quyền và các ban, ngành thành phố Đà Lạt thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tập trung chăm lo xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên lĩnh vực kinh tế, chương trình phát triển nông nghiệp đa dạng, theo hướng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao đã được một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vận dụng. Ngoài việc duy trì một số diện tích cây lương thực như khoai, bắp, lúa, đậu... nhiều hộ đã chú trọng thâm canh cây cà phê và phát triển diện tích rau, hoa cao cấp. Về chăn nuôi, tuy chưa có mô hình trang trại gia súc, gia cầm quy mô lớn, nhưng hình thức chăn nuôi hộ gia đình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có bước phát triển. Công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm được chú trọng, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Năm 2009, thu nhập bình quân từ việc nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng là 2 triệu đồng/ha/hộ/năm, thì đến năm 2014, các hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng có thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/ha/hộ/năm. Lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp là hoạt động chủ yếu của 186 hộ đồng bào người Hoa sống ở các phường trung tâm thành phố Đà Lạt. Đặc biệt, trong những năm gần đây, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở tổ dân phố Măng Line (Phường 7), xã Tà Nung đã chuyển dần sang kinh doanh dịch vụ du lịch và buôn bán nhỏ. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh, từ 19,91% năm 2009 giảm xuống còn 1,97% năm 2013, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của thành phố Đà Lạt từ 1,91% năm 2009 xuống còn 0,55% năm 2013.
Kinh tế phát triển, chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên, thu hẹp dần khoảng cách giáo dục giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng trung tâm. Đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nhận thức rõ hơn việc nâng cao trình độ học vấn là nâng cao dân trí, là điều kiện quan trọng để vươn lên thoát nghèo, để gia đình và bản thân có cuộc sống tốt hơn. Do đó, bà con các dân tộc thiểu số ngày càng quan tâm hơn đến công tác giáo dục, đa số các hộ gia đình đã tạo điều kiện cho con em đến trường. Hàng năm, trẻ em trong độ tuổi ra lớp đạt tỷ lệ trên 96%, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vì theo bố mẹ lên rẫy. Vì vậy, công tác phổ cập giáo dục đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Đà Lạt thời gian qua được duy trì khá vững chắc và từng bước nâng dần về chất lượng. Về công tác y tế, thành phố đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, qua đó từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Lạt đều đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% trạm y tế có bác sỹ. Các chương trình y tế quốc gia và nhiệm vụ trọng tâm của ngành triển khai ở vùng dân tộc thiểu số đều đạt các chỉ tiêu được giao.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt: Có được kết quả trên là do Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn quan tâm đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thành phố đã triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách đối với vùng đồng bào dân dân tộc thiểu số, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hướng đến phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số bắt kịp với vùng trung tâm thành phố. Trong đó, thành phố đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số. Từ năm 2009 đến nay, thành phố Đà Lạt đã cử 6 cán bộ, công chức, viên chức đi học Trung cấp lý luận Chính trị, cử 10 cán bộ đi học đại học và cử 14 lượt cán bộ là người dân tộc thiểu số đi bồi dưỡng nghiệp vụ. Đến nay, có 52 cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Lạt, chiếm 1,52%. Bên cạnh đó, việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng. Trong giai đoạn 2010 - 2013, thành phố Đà Lạt đã thực hiện 75 công trình đường giao thông nông thôn, nâng cấp và sửa chữa 42,786km đường với tổng kinh phí 66,271 tỷ đồng. Xây dựng, nâng cấp, sửa chữa và đưa vào sử dụng 4 công trình thủy lợi với kinh phí 21,097 tỷ đồng. Xây dựng mới 2 trường học, cải tạo 25 phòng học với tổng kinh phí 9,257 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng 14 công trình hạ tầng với tổng kinh phí 21,572 tỷ đồng... Ngoài ra, công tác giảm nghèo cũng được xếp vào một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ năm 2009 đến nay, thành phố đã đầu tư hỗ trợ cho hộ nghèo và cận nghèo xã Tà Nung và tổ dân phố Măng Line (Phường 7) để phát triển kinh tế với tổng số tiền 3,8 tỷ đồng. Các ngành, đoàn thể cũng đã tín chấp cho 512 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay số tiền 6,38 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất.
Mặc dù có những chuyển biến đáng kể trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành phố Đà Lạt những năm vừa qua, tuy nhiên, ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng: Sự chuyển biến, tiến bộ của đồng bào dân tộc thiểu số đạt được chưa đều trên các lĩnh vực và giữa các dân tộc. Hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung còn thấp; một số hộ chưa nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng... Và theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc, để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành phố Đà Lạt, công tác dân tộc phải có sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy và sự chỉ đạo chặt chẽ của chính quyền các cấp. Đồng thời, phải có sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở, tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.