Phong trào thi đua của đồng bào các dân tộc ở Bình Phước

Tỉnh Bình Phước có gần 183.000 người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 19,7% dân số toàn tỉnh với các dân tộc Xtiêng, MNông, Khmer, Châu Mạ, Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Chăm, Mông... Ðến vùng đồng bào DTTS Bình Phước, ai cũng cảm nhận được sự đổi thay nhanh chóng trên vùng quê này. Những đổi thay đáng tự hào, bắt đầu từ phong trào thi đua giai đoạn 2009-2014.

Vùng đồng bào DTTS xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi, luân canh cây trồng, vật nuôi, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Mô hình nông - lâm kết hợp đã được áp dụng đối với vùng có rừng, các loại giống cây trồng mới được đưa vào sản xuất ngày càng nhiều. Ở lĩnh vực chăn nuôi, bà con chuyển dần từ hình thức chăn thả truyền thống sang mô hình nuôi bán thâm canh, nhiều hộ có đàn gia súc hàng trăm con.

Trong cộng đồng DTTS, ngày càng nhiều gương làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như già làng Lâm Búp, người vinh dự được Chủ tịch nước phong Anh hùng Lao động và là Anh hùng Lao động duy nhất của tỉnh Bình Phước hiện nay. Ðể có được danh hiệu vinh dự này, ông vượt qua bao gian khó, hy sinh lợi ích bản thân để đồng bào dân tộc mình được ấm no. Ông vận động nhân dân chia ruộng đất, nhà nào nhiều đất thì chia cho hộ thiếu đất, cha mẹ phải chia đất cho con cái... Từ cuộc vận động của ông, một gia đình tại sóc Chà Là, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh đã chia tám héc-ta ruộng lúa của mình cho những người con và bà con trong sóc. Những đất ruộng khi xưa mà ông đã vận động chia, giờ đang làm ba vụ lúa nước trong năm, khi công trình thủy lợi Lộc Khánh đưa vào sử dụng, bà con từng bước thay đổi cách làm, đưa các giống lúa mới vào gieo trồng. Ðời sống của đồng bào Khmer từ đó có sự thay đổi rõ rệt, không chỉ đủ ăn đủ mặc mà còn có tích lũy để tái đầu tư sản xuất. "Bây giờ đời sống của đồng bào dân tộc Khmer thay đổi nhiều lắm, nhà nào cũng có ti-vi, nhiều nhà còn có máy cày, máy kéo; Nhà nước đầu tư làm thủy lợi dẫn nước vào ruộng nên bà con làm lúa được hai vụ với năng suất cao; xây dựng đường giao thông, trường học, đường điện, trạm y tế phục vụ đời sống; chính quyền xã còn ưu tiên cho đồng bào vay vốn, hộ nào không có đất thì được cấp đất sản xuất... Ðồng bào Khmer chúng tôi rất biết ơn Ðảng, ơn Bác Hồ đã mang lại cuộc sống ấm no cho bà con", Anh hùng Lâm Búp chia sẻ.

Bình Phước cũng cố gắng đưa các ngành nghề phổ thông đến với người lao động khu vực đồng bào DTTS, đào tạo nghề cho 13.260 lao động là đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 31,8% tổng số lao động đào tạo nghề. Em Ðiểu Minh, công nhân nông trường Ðăk Ơ, làm ở Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cao-su Phú Thịnh, là một trong những học viên đầu tiên của mô hình đào tạo nghề khai thác cao-su cho đồng bào dân tộc. Từ chỗ chỉ biết làm thuê, làm mướn, nay Ðiểu Minh đã có công ăn việc làm, cùng nhiều bà con Xtiêng ở huyện Bù Gia Mập tham gia cổ đông, được đào tạo nghề, gắn bó ổn định với công ty. Hiện đã có 218 lao động có tay nghề người DTTS đang làm việc tại đây. Ðiểu Minh tâm sự: "Khi vào làm ở đây em được tổ trưởng hướng dẫn tận tình cách cạo mủ. Nếu cạo chăm chỉ thì một tháng lương bình quân khoảng sáu đến tám triệu đồng, thu nhập ổn định, gia đình em cũng bớt khó khăn". Không chỉ được hướng dẫn nghề, khoảng 80% số lao động sau khi học nghề cũng tìm được việc làm tại các trang trại hoặc tự tạo việc làm tại gia đình.

Tỉnh Bình Phước hỗ trợ phát triển sản xuất ở vùng đồng bào DTTS bằng các loại cây con giống mới, vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị sản xuất và tổ chức thực hiện hàng loạt lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc tiêu, điều, cao-su, cà-phê cho đồng bào DTTS, tiếp tục thực hiện tốt các chương trình định canh, định cư cho đồng bào. 61 hộ dân Thạch Màng được Nhà nước cấp đất, cấp nhà, định cư ở đây. Người dân được học khuyến nông để chăn nuôi, trồng cao-su, trồng cây công nghiệp. Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón. Gia đình anh Ðiểu Hạnh, chị Thị Ri ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Ðồng Phú sau khi được cấp nhà ở và hơn chín sào đất sản xuất, Nhà nước hỗ trợ giống cao-su, anh chị trồng xen cây mỳ (sắn) trên diện tích được giao. Hai năm qua, gia đình anh thu nhập gần 50 triệu đồng từ việc xen canh cây ngắn ngày. Lương cơ bản mỗi tháng được năm triệu đồng, chị Thị Ri tranh thủ trồng rau, nuôi heo, gà... Chăm chỉ lao động, gia đình anh dành dụm, xây dựng căn nhà khang trang trị giá 200 triệu đồng, mua xe máy và sắm dụng cụ sản xuất.

Năm năm qua, chính sách giáo dục cho vùng đồng bào DTTS luôn được thực hiện kịp thời và đầy đủ, góp phần động viên, khích lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh các Trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT), Phổ thông dân tộc bán trú, các trường phổ thông vùng đồng bào DTTS, đồng thời thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS, miền núi. Mạng lưới trường lớp được quy hoạch, phát triển đều khắp đến các vùng sâu, xa của tỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một được nâng cao, giao lưu văn hóa trong vùng được thúc đẩy, việc hưởng thụ văn hóa, đời sống tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên; công tác vận động tuyên truyền đưa y tế về tận các thôn, xã...

Về Bình Phước hôm nay, diện mạo các vùng đồng bào DTTS đã có những đổi thay rõ rệt. Ðiện, đường, trường, trạm khang trang, nông thôn đổi mới hiện diện khắp nơi từ vùng sâu, vùng xa đến vùng biên giới. Nghị quyết T.Ư 7 (khóa IX) đã mang lại cho đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Phước những đổi thay, toàn diện cả về kinh tế và xã hội.

 In bài viết
Văn bản điều hành