Phú Thọ: 6.200 tỷ đồng đầu tư cho công tác giảm nghèo
Thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, Phú Thọ đã hoàn thành tốt việc xóa hộ đói, giảm hộ nghèo và cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo. Tỉnh đã huy động được trên 6.200 tỷ đồng đầu tư cho công tác giảm nghèo.
Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ tín dụng ưu đãi, phát triển sản xuất, hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, nhà ở, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe đã được địa phương triển khai có hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 31,08% (năm 2005) xuống còn 14,1% (năm 2012) và năm 2013 chỉ còn 12,5%.
Đặc biệt, tại các vùng dân tộc thiểu số và những xã miền núi, khó khăn trong tỉnh, việc thực hiện chương trình giảm nghèo đã góp phần làm chuyển biến nhanh đời sống xã hội, thúc đẩy sản xuất, phát triển, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; cơ sở hạ tầng được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố, trình độ đội ngũ cán bộ được nâng lên; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Để công tác giảm nghèo tiếp tục đạt được những kết quả thiết thực, tỉnh Phú Thọ đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể trong việc thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo. Trong đó, UBMTTQ tỉnh chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên chỉ đạo các cấp hội cơ sở tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động toàn dân hưởng ứng, tham gia các CVĐ "Ngày vì người nghèo”, CVĐ "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Mặt trận các cấp tiếp tục tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi hơn để người nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, chính sách hỗ trợ về đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt; mở rộng các cơ sở bảo trợ xã hội nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; tiến hành rà soát, đánh giá lại việc bình xét hộ nghèo đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, khách quan; tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện và đưa các chính sách giảm nghèo đến với người dân.
Những giải pháp trên là cơ sở để Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 đạt được mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015 xuống dưới 10%; tạo việc làm ổn định, đa dạng hóa hoạt động thu nhập cho lao động nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện, xã, thôn đặc biệt khó khăn rất cần.