Quan tâm nhu cầu nước sạch ở đô thị miền núi

Thông qua nguồn vốn đầu tư của ODA Đan Mạch, tại thị trấn các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Đô Lương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Tân Kỳ được đầu tư 6 nhà máy cấp nước sạch với công nghệ hiện đại của Châu Âu. Cùng với đó, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tại thị trấn của các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Thanh Chương đã xây dựng thêm các nhà máy nước sạch đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Do nguồn nước mặt tại các sông, hồ ở Đô Lương bị ô nhiễm, chất lượng nước không bảo đảm tiêu chuẩn nên nhu cầu được sử dụng nước sạch là vấn đề bức thiết của người dân Đô Lương. Vì vậy, khi dự án ODA Đan Mạch đầu tư các dự án nước sạch, thì Thị trấn Đô Lương được ưu tiên đầu tư nhà máy xử lý nước sạch công suất 2.000 m3/ngày. Ông Võ Đăng Dũng – phụ trách nhà máy nước Thị trấn Đô Lương cho biết: “Do được đầu tư nhà máy nước công suất lớn và công nghệ sản xuất hiện đại, hơn nữa nhà máy nước lại có thuận lợi là khai thác nguồn nước mặt tại Bara Đô Lương nên nước nguồn luôn bảo đảm. Hiện nay, nhà máy nước có hơn 5.500 khách hàng tại thị trấn và mở rộng ra các vùng lân cận như: Tràng Sơn, Đông Sơn, Lưu Sơn, Đà Sơn, Văn Sơn...” Luôn khai thác được công suất, thiết bị máy móc hiện đại, nhà máy nước Thị trấn Đô Lương đã đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Tại Thị trấn Hòa Bình – Tương Dương, người dân cũng sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng nhất là vào mùa khô, nguồn nước mặt không những thiếu mà còn bị ô nhiễm nặng. Thông qua dự án VIE/014 (Phát triển nông thôn Miền Tây Nghệ An do LUXEMBOURG tài trợ), Thị trấn Hòa Bình được xây dựng công trình cấp nước sạch với công suất 800 m3/ngày. Nhà máy nước được xây dựng tại bản Phòng, xã Thạch Giám và nguồn nước được khai thác từ khe Chi. Đây là vùng có nguồn nước phong phú, bảo đảm chất lượng và đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật để xây dựng nhà máy nước tự chảy đủ năng lực cung cấp nước sạch cho người dân. Với tổng vốn đầu tư gần 6,1 tỷ đồng, nhà máy nước lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại với bể lắng ngang, lọc chậm hợp khối và bể chứa nước sạch 150m3. Cùng với đó là một tuyến dẫn chính bằng ống thép tráng kẽm 2 mặt phi 200 nối mạng phân phối nước sạch tại Thị trấn Hòa Bình công suất thiết kế 17,35 lít/giây và một tuyến nhánh phi 50 cung cấp nước sạch cho vùng Hòa Nam.

Thuận lợi của nhà máy, là sau khi sáp nhập vào ngành cấp nước Nghệ An, thì đã được tăng cường thêm cán bộ kỹ thuật và được trang bị thêm một số thiết bị, hóa chất...nên bảo đảm được chất lượng nước. Cùng với đó, đã tăng nhanh số lượng khách hàng và nhà máy nước luôn hoạt động hết công suất. Được biết, tại nhà máy nước sạch Thị trấn Mường Xén, sau khi đổi mới phương án sản xuất – kinh doanh, đã khai thác hiệu quả thiết bị, công nghệ sản xuất nước hiện đại đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Để quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ nước sạch cho người dân thị trấn các huyện miền núi, ngành cấp nước đã thành lập Xí nghiệp cấp nước các đô thị Miền Tây Nghệ An. Hiện nay xí nghiệp đảm nhận nhiệm vụ sản xuất và cung cấp nước sạch phục vụ nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... tại địa bàn thị trấn 9 huyện miền núi là Anh Sơn, Con Cuông, Đô Lương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Tương Dương, Kỳ Sơn và Thanh Chương, với tổng công suất hơn 10.000 m3/ngày. Ông Hoàng Văn Hải – Giám đốc Xí nghiệp cấp nước các đô thị miền Tây cho biết: “Thuận lợi của các nhà máy nước là được đầu tư xây dựng công suất lớn và với công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu của gần 15.500 khách hàng. Cùng với đó, là xây dựng được phương án sản xuất – kinh doanh phù hợp, nên đạt hiệu quả cao. Năm 2012, tổng sản lượng tiêu thụ nước sạch của các nhà máy nước là 2.290.617 m3 và đạt 106% kế hoạch được giao”.

( Theo baonghean.vn)

[TT: LPM]

 In bài viết
Văn bản điều hành