Quảng Ninh phấn đấu đưa các xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn vào năm 2020

“Với phương châm lấy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là trung tâm; hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu là cần thiết” - tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực tập trung để đến năm 2020 sẽ đưa 22 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK).

Biến sản vật, văn hóa thành nguồn lực

Theo ông Lãnh Thế Vinh - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh: Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, biển đảo, có 113 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc và miền núi, với 22 xã và 11 thôn, bản ở 8 xã khác thuộc diện ĐBKK.

Tháng 10/2016, Đề án “Phát triển sản xuất để đưa các xã ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135” của Quảng Ninh đã chính thức được thông qua. Ngay sau đó, Nghị quyết 50 về việc bố trí nguồn lực cho đề án cũng đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh thông qua. Thực hiện Nghị quyết này, giai đoạn 2017 - 2020, Quảng Ninh bố trí qua Chương trình 135 dự kiến hơn 1.300 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hơn 968 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã hơn 93 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn huy động khác.

Theo đó, sẽ có 17.224 lượt hộ nghèo, cận nghèo tại các xã, thôn, bản ĐBKK của Quảng Ninh được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, trang thiết bị để phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong đó, đặc biệt quan tâm nâng cao đời sống của người dân trong vùng, nhất là đồng bào DTTS. Đồng thời, hướng tới tạo các vùng sản xuất tập trung. Từ đó, nâng thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo các xã ĐBKK dự kiến tăng gấp hai lần năm 2015. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư theo tiêu chí nông thôn mới.

Tuy nhiên, Quảng Ninh cũng xác định, giảm nghèo chỉ là mục tiêu trước mắt, sau khi giảm nghèo, tỉnh sẽ tạo động lực để đồng bào DTTS vươn lên làm giàu. Trong đó xác định, bằng những hành động cụ thể để biến sản vật, văn hóa địa phương trở thành nguồn lực cho đồng bào DTTS khởi nghiệp.

“Thời gian qua, Quảng Ninh đã có chương trình OCOP – Mỗi xã phường một sản phẩm - nhờ đó đã có những sản phẩm do chính đồng bào DTTS sản xuất ra từ kinh nghiệm và nguyên vật liệu trong vùng như: Chè hoa vàng (huyện Ba Chẽ), rượu Bâu (Hoành Bồ), dầu Sở (Bình Liêu)… Thông qua các doanh nghiệp, các cửa hàng OCOP, các triển lãm, hội chợ, sản phẩm của đồng bào đã được thị trường tiêu thụ rộng rãi, đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ gia đình. Hiện xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) cũng đang triển khai mô hình du lịch cộng đồng nhằm khai thác hiệu quả những giá trị, nguồn lực của xã biên giới này” – ông Lãnh Thế Vinh cho biết.

Huy động tổng hòa các nguồn lực

Như nhiều vùng đồng bào DTTS khác, trong quá trình khởi nghiệp, đồng bào DTTS ở Quảng Ninh cũng gặp những khó khăn trong tiếp cận thị trường, hỗ trợ về vốn, ứng dụng khoa học công nghệ… Để tháo gỡ những khó khăn này, ông Vinh cho biết: Cán bộ của Ban Dân tộc phải chủ động nghiên cứu kỹ, đánh giá đúng thực trạng từng xã, tìm ra cơ chế cụ thể thuyết phục Hội đồng nhân dân ban hành các chủ trương, chính sách cho phù hợp, hiệu quả. Trong đó, việc huy động nguồn lực được xác định là tổng hòa các nguồn lực. Trước hết, người dân phải là người chủ động, tâm huyết với sản phẩm, dịch vụ mà mình đăng ký, mình muốn theo đuổi – đây là nguồn lực lớn nhất. Thứ hai là bằng nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các chương trình mục tiêu thông qua 2 chương trình lớn là Chương trình 135 và Nông thôn mới. Thứ ba, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào vùng ĐBKK. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp này, sẽ không có một cách làm chung; thay vào đó, Ban Dân tộc sẽ chủ động đề xuất hỗ trợ cho từng dự án - tùy thuộc vào những đặc thù, yếu tố riêng biệt của địa phương mà doanh nghiệp đầu tư…

Với Đề án “Phát triển sản xuất để đưa các xã ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135”, trong quá trình tham gia, Ban Dân tộc Quảng Ninh đã tham mưu cho tỉnh phân công các đồng chí lãnh đạo phụ trách địa bàn; phân công các sở ngành, các tổ chức chính trị giúp đỡ từng xã. Với việc phân công cụ thể này, các cá nhân, tổ chức đều thấy được trách nhiệm và công việc rõ ràng, từ đó triển khai kịp thời và hiệu quả.

Với sự vào cuộc, tập trung thực hiện của cả hệ thống chính trị, tin rằng đến năm 2020, Quảng Ninh sẽ không còn xã ĐBKK, xứng đáng là điểm sáng của vùng Đông Bắc tổ quốc.

 In bài viết
Văn bản điều hành