Quảng Trị: Giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của vùng đất lửa Quảng Trị vẫn còn cao so với cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số cao hơn nhiều tỷ lệ người dân tộc Kinh.

Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị, đến nay số hộ nghèo của tỉnh Quảng Trị nói chung cũng như đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng vẫn còn cao so với cả nước và các tỉnh trong khu vực. Đầu năm 2016 tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh là 15,43%, cao hơn 1,56 lần so với tỉ lệ chung của cả nước, hơn 1,23 lần so với khu vực Bắc Trung bộ và xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố.

Năm 2017 tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm được 1,97% nhưng vẫn cao hơn tỉ lệ chung cả nước 1,72 lần, hơn các tỉnh trong khu vực 1,4 lần và xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố về tỉ lệ hộ nghèo. Năm 2017 toàn tỉnh có 22.313 hộ nghèo, tỉ lệ 13,49%, trong lúc đó ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên tỉ lệ hộ nghèo rất cao. Huyện Hướng Hóa năm 2017 có 6.344 hộ nghèo chiếm 32,78%; huyện Đakrông có 4.810 hộ nghèo, tỉ lệ 55,05%. Xem xét tốc độ giảm nghèo của vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy năm 2016 tỉ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số là 39,64%, cao hơn tỉ lệ hộ nghèo chung của tỉnh 2,57 lần; năm 2018 còn 32,1%, giảm 7,55% nhưng lại cao hơn đến 2,79 lần so với tỉ lệ chung của tỉnh.

Theo báo cáo của UBND huyện Hướng Hóa, đầu năm 2018 thực trạng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của huyện như sau: Tổng số hộ nghèo toàn huyện 5.973 hộ, chiếm tỉ lệ 28,37% so với tổng số hộ dân cư, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 5.490 hộ, chiếm tỉ lệ 61,3% so với tổng số hộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn, (chiếm tỉ lệ 91,91% so với tổng số hộ nghèo của huyện). Báo cáo của UBND huyện Đakrông cũng cho thấy tỉ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90% hộ nghèo toàn huyện.

Nguyên nhân là do điều kiện ăn ở, đi lại của đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn, địa bàn rộng, hiểm trở, việc trao đổi hàng hóa ở một số nơi không thuận tiện. Thêm nữa điều kiện thời tiết diễn biến thất thường ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Nhiều người dân tộc thiểu số vẫn sản xuất theo tập quán cũ, lạc hậu, mang tính tự cung, tự cấp, năng suất và sản lượng thấp. Một số người còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, không biết tổ chức cuộc sống; người con trai trụ cột của gia đình lười lao động.

Bên cạnh đó, nhiều hộ thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, chưa thông thạo tiếng Việt nên việc hướng dẫn của cán bộ về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt chưa tiếp thu được. Cũng phải kể đến năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách giảm nghèo của nhiều cán bộ còn hạn chế. Do đó, kết quả giảm nghèo ở một số địa phương chưa thực sự bền vững, tỉ lệ hộ tái nghèo vẫn còn cao, một số người dân chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội…

Để góp phần giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả đòi hỏi phải có quyết tâm cao và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó cần nâng cao hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, xem đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Tuyên truyền sâu rộng, liên tục để người dân có ý thức vươn lên, không chấp nhận cảnh đói nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Đẩy mạnh tập huấn, phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực giảm nghèo cho người dân, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư để thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững. Xem xét cấp đất kịp thời cho các hộ thiếu đất sản xuất, hỗ trợ phương tiện, máy móc, dụng cụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn để mua sắm phương tiện, dụng cụ phát triển sản xuất. Tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng các mô hình hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của nhà nước cũng như các tổ chức nước ngoài. Tiếp tục phân công các phòng, ban, đơn vị, địa phương nhận đỡ đầu các xã, thôn, bản có nhiều hộ nghèo. Điều tra, khảo sát kỹ nguyên nhân các hộ nghèo, từ đó đề xuất giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp với từng đối tượng, không làm chung chung, kém hiệu quả…

baodansinh.vn

 In bài viết
Văn bản điều hành