Ruộng nước, giải pháp để xoá đói giảm nghèo bền vững ở miền núi
Một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ hộ đói nghèo ở vùng miền núi, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người không thể không nói đến tình trạng thiếu đất sản xuất, không chủ động được nguồn lương thực tại chỗ. Việc lo “cái ăn” đã chiếm phần lớn thời gian và công sức người dân nơi đây, do đó khi chưa giải quyết được vấn đề lương thực tại chỗ thì việc triển khai các chương trình mục tiêu khác khó có thể thực hiện được.
Tại huyện Đakrông (Quảng Trị), một trong những huyện nghèo nhất nước, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, đến nay tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn chiếm đến 41,18%, (đó là chưa kể còn 37% hộ thuộc đối tượng cận nghèo, chỉ cần một tác động khách quan như thiên tai, đau ốm là ngay lập tức bổ sung vào đội ngũ những người cần xã hội giúp đỡ). Khi đề cập đến vấn đề xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững, nhiều người dân đã thẳng thắn cho rằng, hàng chục năm nay nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phát triển kinh tế- xã hội miền núi, thành tựu dễ dàng nhìn thấy được là hạ tầng cơ sở và bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều thay đổi nhưng tình trạng thoát nghèo của người dân thì chưa đạt được mục tiêu.
Điều này càng thấy rõ khi chúng tôi đến xã A Bung, một xã biên giới đất đai mênh mông, màu mỡ, nằm ngay bên đường Hồ Chí Minh (đường 14 cũ). Theo báo cáo của UBND xã trong thời gian 10 năm (từ năm 2004 đến năm 2013), A Bung được đầu tư gần 25 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở. Đường giao thông, nước sinh hoạt, điện đã về hầu hết các thôn bản, trường học, trạm y tế đều đã được xây dựng lại khang trang, bề thế hơn. Nhưng đến nay toàn xã vẫn còn trên 230 hộ nghèo, chiếm 60% tổng số hộ toàn xã.
Khi được hỏi vì sao được nhà nước quan tâm đầu tư như vậy mà A Bung vẫn còn nhiều hộ nghèo, ông Hồ Văn Hóa ở bản La Hót nói rằng: “Trước đây khi chưa có các công trình đầu tư chúng tôi cũng đi làm rẫy, bây giờ khi nhà nước đầu tư nhiều công trình hạ tầng chúng tôi vẫn đi làm rẫy để tìm cái ăn. Rẫy mỗi lúc một xấu, đường đi làm rẫy mỗi lúc một xa hơn, người mỗi lúc một đông hơn, lo cái ăn mỗi lúc một khó hơn, không đói nghèo sao được”.
Xem kỹ các danh mục đầu tư tại xã, mới thấy, trong số 33 công trình được đầu tư trong vòng 5 năm qua tại đây, chỉ có 2 công trình thuỷ lợi, một công trình khai hoang ruộng nước, nhưng 2/3 trong các công trình đó dù được đầu tư tiền tỷ đều không phát huy được hiệu quả, thuỷ lợi không đưa nước về đến ruộng, ruộng đã khai hoang mà người dân vẫn không canh tác được vì thiếu nước.
Phó chủ tịch UBND xã A Bung Hồ Văn Pườm nói với chúng tôi rằng: “Khát vọng có ruộng nước với người dân nơi đây lúc nào cũng cháy bỏng. Không có ruộng đồng nghĩa với đói nghèo, cả xã có 433 hộ, 2.315 khẩu nhưng chỉ có 60 ha lúa nước, nhà nào có ruộng thì đời sống ổn định hơn, đỡ chật vật lo cái ăn hơn. Mấy năm qua, nhờ sự đầu tư của các chương trình dự án, A Bung đã khai hoang được trên 10 ha ruộng, nhưng sự đầu tư thiếu đồng bộ, chất lượng các công trình thuỷ lợi không đảm bảo nên diện tích ruộng nước toàn xã tăng lên không đáng kể. Để có đủ nguồn lương thực, đồng bào phải xoay xở đủ nghề, kể cả phát rừng làm nương rẫy”. Đi qua các bản làng của đồng bào Pa Cô nơi đây, từ Cu Tài, A Luông, đến Cựp, La Hót, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp những quả đồi trơ trọi, những mảng rừng nham nhở, hậu quả của cả một quá trình chật vật với cái ăn.
Không chỉ ở A Bung, mà A Vao, A Ngo, Tà Long, Húc Nghì, Ba Nang... những xã biên giới xa xôi của huyện Đakrông, tình trạng đói nghèo cứ đeo đẳng mãi với người dân nơi đây. Đã có không ít các chương trình dự án đầu tư với những ý tưởng tốt đẹp nhưng xem ra cơ hội thoát nghèo của người dân vẫn còn xa vời. Chị Kôn Klang ở Tân Đi 1, A Vao nhọc nhằn đặt chiếc gùi lên vai, bên trong có một buồng chuối to, vừa đi vừa nói với tôi trong hơi thở đứt đoạn, nhà có đến 7 miệng ăn mà không có được một mảnh ruộng nào, chỉ trông chờ vào rẫy chuối, năm nay chuối bán quá rẻ nên thu nhập chẳng được bao nhiêu, hai đứa con lớn đã bỏ học để đi đào vàng phụ giúp gia đình.
Cả xã A Vao có trên 360 hộ, gần 2.000 nhân khẩu nhưng chỉ có chưa đầy 20 ha ruộng, do địa hình miền núi phức tạp, ruộng đã ít lại thường xuyên bị mưa lũ vùi lấp, nhiều công trình thuỷ lợi ở đây cũng luôn bị hư hỏng sau mỗi đợt thiên tai. Chúng tôi đã từng chứng kiến cảnh những người dân ở Ró Ró, Tân Đi trần mình trong cái rét bê từng tảng đá, vét từng đụn cát để tìm lại những khoảnh ruộng nhỏ nhoi bị vùi lấp sau các trận lũ quét lịch sử. Có tận mắt nhìn thấy những cảnh đó mới biết người dân miền núi nhọc nhằn ra sao để làm ra hạt lúa nuôi sống mình. Và từ thực tế đó cũng có thể hiểu vì sao nạn chặt phá rừng làm nương rẫy nhiều năm qua không chấm dứt, mặc dù các địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn.
Theo số liệu mà chúng tôi có được, cho đến nay sau hơn 25 năm thực hiện cuộc vận động định canh định cư, toàn huyện Đakrông cũng chỉ mới có được 560 ha ruộng nước, nhưng trong số đó chỉ có gần 400 ha chủ động được nguồn nước tưới từ 40 công trình thuỷ lợi quy mô vừa và nhỏ, trong đó nhiều công trình đã xuống cấp hoặc hư hỏng nặng nề. Sản lượng lương thực hàng năm thu được từ diện tích ruộng nước hiếm hoi này chỉ đủ cho người dân sống trong vòng hai tháng, 10 tháng còn lại phải dựa vào rừng, vào rẫy, vào việc khai thác phế liệu chiến tranh, khai thác vàng và lâm sản trái phép. Bất kể địa phương nào ở vùng cao, khi đề cập đến vấn đề xoá đói giảm nghèo, từ cán bộ đến người dân đều bày tỏ nguyện vọng có ruộng nước để chủ động được nguồn lương thực tại chỗ. Khác với người dân đồng bằng, đồng bào vùng cao không có thói quen tích trữ, lại chưa quen với sản xuất hàng hoá, do đó chủ động lương thực cũng có nghĩa là tự mình làm ra cái mình cần chứ chưa quen tạo ra hàng hoá để thực hiện quan hệ trao đổi.
Ông Hồ Văn Thới ở Cù Bai, Hướng Lập (Hướng Hoá) có lần nói với tôi rằng, đồng bào trên này dù có vài chục con trâu, bò nhưng không có ruộng để sản xuất, không có gạo ăn thì đói vẫn cứ đói. Khi đói thì ăn sắn, ăn rau rừng chứ không mấy ai chịu bán tài sản để mua gạo, vì thế tâm lý chung của bà con là muốn có nhiều ruộng nước, có ruộng là tự túc được lương thực, không phải làm rẫy nặng nhọc mà thu hoạch lại bấp bênh, hơn thế, ruộng nhiều hay ít còn khẳng định được “đẳng cấp” và uy thế của mình trong cộng đồng.
Với việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về việc giảm nghèo nhanh và bền vững, nhiều dự án phát triển kinh tế- xã hội đã được triển khai ở Đakrông, trong đó có việc cấp gạo cho đồng bào ở các xã biên giới để khuyến khích bà con trồng rừng, giữ rừng, bám trụ biên cương. Nhưng tâm lý muốn có nhiều ruộng nước vẫn phổ biến trong đông đảo người dân miền núi. Thực tế đã cho thấy nơi nào có nhiều ruộng nước là nơi ấy thực hiện tốt cuộc vận động định canh định cư, tình trạng phá rừng làm nương rẫy được hạn chế.
Ông Hồ Xuân Quế, một người dân ở xã Ba Nang nói với tôi rằng, Chính phủ có cấp gạo thì cũng chỉ được vài năm, sau đó hết gạo không có ruộng thì sống bằng gì. Rõ ràng cấp gạo là rất đáng phấn khởi nhưng cấp ruộng để bà con sản xuất, có cuộc sống ổn định lâu dài thì vẫn phấn khởi hơn, vì ruộng chính là cần câu.
Theo đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Đakrông giai đoạn 2009 - 2020, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn cũng đã được chú trọng với mục tiêu tăng dần diện tích lúa nước lên 700 ha năm 2015 và 770 ha năm 2020, đưa lương thực bình quân đầu người từ 193 kg năm 2010 lên 236 kg năm 2015 và 267kg năm 2020.
Để thực hiện mục tiêu này, sẽ có hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi, khai hoang đất bằng làm ruộng nước để cấp cho dân. Nhưng liệu rồi đây người dân huyện miền núi Đakrông có chấm dứt được phương thức canh tác “phát, cốt, đốt, trỉa”, có tự túc được lương thực tại chỗ để “rãnh tay” lo những công việc khác, để làm giàu chứ không còn luẩn quẩn với cái đói cái nghèo như hiện tại?
( Theo baoquangtri.vn)
[TT: LPM]