Sa Pa triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tại Sa Pa đã có nhiều cách làm sáng tạo, huy động xã hội hóa, tạo nên bước chuyển về xóa đói, giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của chính các hộ nghèo, còn có sự vào cuộc tích cực, chung tay của cả hệ thống chính trị.

Là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 23%) của tỉnh Lào Cai, trong những năm qua, với mục tiêu thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, huyện Sa Pa đã triển khai nhiều giải pháp xóa nghèo bền vững. Huyện đã phê duyệt Đề án “Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2010 - 2015” và tiến hành triển khai thực hiện rộng rãi trên địa bàn toàn huyện với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 4% - 6%, tỷ lệ tái nghèo là 1%. Đây được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong toàn giai đoạn. Bên cạnh đó, huyện cũng xác định phải sử dụng có hiệu quả, lồng ghép các nguồn đầu tư từ các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, các nguồn vốn phi chính phủ và nguồn vốn hỗ trợ xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ xóa nghèo bền vững.

Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch; tạo cơ hội tốt để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động tại các xã vùng cao, nhằm tạo việc làm tại chỗ...

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, thu nhập bình quân đầu người/năm ở khu vực nông thôn của huyện đã tăng từ 8 triệu đồng (năm 2010) lên 14 triệu đồng (năm 2015) và phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 16 - 18 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện đã có trên 3.000 hộ thoát nghèo (giảm 31,5% so với giai đoạn trước). Chỉ tính riêng trong 5 năm thực hiện Đề án, đã có gần 15.000 hộ nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ giống lúa; 503 hộ được đầu tư hệ thống nước sạch; số vốn vay hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế đạt trên 55 tỷ đồng. Nguồn vốn xây dựng nông thôn mới đầu tư cho Sa Pa hơn 100 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 53 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác xóa đói, giảm nghèo, Sa Pa sẽ tận dụng tốt mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Huyện chủ trương ưu tiên phát huy thế mạnh địa phương bằng những cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị cao để tăng thu nhập cho bà con; đồng thời mở rộng và duy trì các nghề truyền thống nhằm tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Sa Pa hướng đến mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo sự chuyển biến nhanh, mạnh về đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, đồng bào dân tộc ít người, đảm bảo đến năm 2020 phát triển ngang bằng các huyện khác trong khu vực.

 
 In bài viết
Văn bản điều hành