Sìn Hồ: Đột phá từ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, những năm qua Đảng bộ, chính quyền huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã lãnh đạo nhân dân từng bước đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Trước đây, đời sống của người dân Sìn Hồ chủ yếu dựa vào nương rẫy, trồng giống lúa, ngô địa phương, năng suất không cao nên tình trạng thiếu đói giáp hạt thường xuyên diễn ra. Từ thực tế đó, huyện xác định: tập trung chỉ đạo các địa phương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng là nhiệm vụ trọng tâm. ông Lê Văn Thăng, Bí thư Huyện ủy cho biết: TCăn cứ vào điều kiện của các địa phương, huyện quy hoạch thành vùng trọng điểm: vùng cao nguyên Tả Phìn, vùng thấp Pa Há, vùng biên giới và dọc sông Nậm Na.
Với cao nguyên Tả Phìn (8 xã và 1 thị trấn), huyện chỉ đạo bà con phát triển cây thảo quả, dược liệu, rau quả. Năm 2006, Tập đoàn Dược Bảo Long đã thành lập Công ty Dược liệu Sìn Hồ, đầu tư xây dựng hạ tầng, xưởng chế biến để phục hồi và phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Nhờ thay đổi nhận thức và cơ cấu cây trồng. Nhiều gia đình ở Tả Phìn không chỉ thoát khỏi đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ trồng rau, hoa, thảo quả, cây dược liệu.
Vùng Pa Há (gồm 9 xã vùng thấp) ngoài sản xuất lương thực có hạt, huyện còn chỉ đạo bà con đẩy mạnh trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc. Đến nay, gần 800ha cao su được trồng tập trung ở xã Ma Quai và Nậm Cuổi đã lên xanh. Năm 2009, huyện phấn đấu trồng mới 2000ha ở 4 xã Ma Quai, Nậm Tăm, Nậm Cuổi, Nậm Cha. Riêng vùng biên giới và dọc sông Nậm Na (5 xã) bà con được hướng dẫn trồng rừng và cây ăn quả.
Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua, kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,9%/năm, hiện còn trên 5%.
Sĩ Đức