Sóc Trăng chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ở Sóc Trăng đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.

Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích 3.311 km2, số dân hơn 1,3 triệu người, trong đó có hơn 30% số dân là đồng bào dân tộc Khmer, với 401.747 người, đông nhất cả nước. Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm tám huyện, hai thị xã, một thành phố, với 109 xã, phường, thị trấn và 775 ấp, khóm; có 44 xã khu vực III và 240 ấp, khóm đặc biệt khó khăn đang được đầu tư triển khai thực hiện các chương trình, dự án và chính sách dân tộc.

Thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn, từ năm 1999 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư cho 137 lượt xã và 170 lượt ấp đặc biệt khó khăn, với kinh phí hơn 744,3 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định 167/2008/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, tỉnh đã xây dựng và bàn giao 26.325 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, trong đó có 7.915 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer. Hỗ trợ xây dựng 33.154 nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 134/2004/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng nhiều trạm cấp nước nơi dân cư tập trung và xây bể chứa nước cho các hộ sống phân tán phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Tính đến nay, toàn tỉnh có 91,59% số hộ và 85,52% tổng hộ người dân tộc Khmer ở nông thôn có nước hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định 74/2008/QÐ-TTg và Quyết định 1592/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng kinh phí hơn 356 tỷ đồng; triển khai thực hiện dự án kéo điện cho 20 nghìn hộ dân, chủ yếu là hộ nghèo dân tộc Khmer, với kinh phí 305 tỷ đồng, nâng số hộ người dân tộc Khmer có điện sử dụng lên 87.458 hộ, chiếm tỷ lệ 91,44% tổng số hộ Khmer; hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, với kinh phí 61,7 tỷ đồng; hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, với kinh phí 4 tỷ đồng; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, số tiền 22,5 tỷ đồng. Sóc Trăng là tỉnh đi đầu trong việc hỗ trợ, đầu tư xây dựng nhà hỏa táng ở các chùa và cụm dân cư, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Từ năm 2006 đến năm 2011, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 76 nhà hỏa táng, với kinh phí 25,3 tỷ đồng; giai đoạn 2013 - 2014, xây dựng và sửa chữa 28 nhà hỏa táng, dự kiến kinh phí thực hiện 22 tỷ đồng.

Công tác giáo dục - đào tạo trong đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục được quan tâm. Các chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh dân tộc thiểu số được thực hiện kịp thời; tạo mọi điều kiện để các em được đến trường, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số hiện nay chiếm gần 30% so với tổng số học sinh chung của tỉnh. Cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư; có 159 trường dạy song ngữ Việt - Khmer; trong đó, có chín trường phổ thông dân tộc nội trú, một Trường Bổ túc Văn hóa PaLi Trung cấp Nam Bộ. Toàn tỉnh hiện có 511 nhà sinh hoạt cộng đồng, tụ điểm văn hóa chùa Khmer; một đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, một nhà trưng bày đang lưu giữ hơn 460 hiện vật văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc Khmer tổ chức các lễ, hội theo phong tục tập quán và đúng quy định của pháp luật, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa của đồng bào.

Việc chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng được quan tâm thực hiện. Tỉnh đã điều trị nội trú, ngoại trú, khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 2,5 triệu lượt người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách với kinh phí thực hiện hơn 252 tỷ đồng; cấp hơn 2,2 triệu lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, với kinh phí 471,2 tỷ đồng; gần 500 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho các thành viên thuộc hộ cận nghèo và thoát nghèo, nâng tỷ lệ người có thẻ bảo hiểm y tế trong toàn tỉnh lên đến hơn 74% số dân.

Hiện nay, 100% số dân là người dân tộc Khmer trong tỉnh được tiếp cận với phát thanh, truyền hình; 5,15% người dân sử dụng điện thoại cố định, 1,55% số dân sử dụng điện thoại di động, 2,6% người dân sử dụng in-tơ-nét; thực hiện chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Khmer 3,63 giờ/ngày; xuất bản Báo Sóc Trăng Khmer ngữ thứ hai hằng tuần; các xã đặc biệt khó khăn, các điểm chùa trong tỉnh đều thụ hưởng 20 loại báo, tạp chí theo Quyết định 975/QÐ-TTg và 2472/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững ổn định. Các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer về các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội; quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước.

Nhờ sự tập trung đầu tư của Ðảng và Nhà nước, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục được cải thiện, mặt bằng dân trí trong đồng bào dân tộc Khmer không ngừng được nâng lên; bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào được giữ gìn và phát huy; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 36% năm 2010 xuống còn 27% năm 2013, với gần 7.700 hộ thoát nghèo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định; tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc tiếp tục được phát huy. Công tác xây dựng hệ thống chính trị ở vùng có đông đồng bào dân tộc được củng cố, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Thời gian tới, Ðảng bộ tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chủ trương, chính sách dân tộc của T.Ư và địa phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer; củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng lòng tin giữa nhân dân với Ðảng, chính quyền các cấp cùng chung sức xây dựng quê hương Sóc Trăng phát triển giàu đẹp.

Tập trung các nguồn lực cho đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, chợ, các công trình nước sạch... Triển khai thực hiện hiệu quả Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.


Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng trao thưởng tặng học sinh vượt khó, học giỏi.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; bảo đảm mức tối thiểu về các dịch vụ xã hội cơ bản cho đồng bào nghèo dân tộc Khmer có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với các hộ nghèo, cận nghèo như: bảo hiểm y tế, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất, nhà ở, đất ở, giải quyết việc làm... Phấn đấu hằng năm giảm hơn 3% số hộ nghèo và đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer còn dưới 20%.

Quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, nhất là hệ thống trường dân tộc nội trú và Trường Bổ túc Văn hóa Pa Li Trung cấp Nam Bộ. Triển khai thực hiện có chất lượng chương trình phổ cập giáo dục THPT trong đồng bào dân tộc Khmer, Ðề án dạy nghề cho học sinh dân tộc nội trú, từng bước củng cố, phát triển nguồn nhân lực đối với vùng đồng bào dân tộc. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ðẩy mạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, phát triển đa dạng các mô hình kinh tế hộ gia đình. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác dân tộc. Tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Ðảng bộ tỉnh quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 In bài viết
Văn bản điều hành