Sóc Trăng nỗ lực giảm nghèo

Theo Sở LĐ-TBXH tỉnh Sóc Trăng, từ khi tái lập tỉnh đến nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh giảm 1% - 2%/năm, riêng giai đoạn từ năm 2010 - 2014, giảm từ 24,31% xuống còn 12,49%. Đây là giai đoạn Sóc Trăng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với các chương trình về giảm nghèo bền vững.

Đa dạng hình thức

Thời gian qua, nguồn vốn vay lãi suất thấp cho hộ nghèo và cận nghèo luôn được tỉnh quan tâm. Nếu như năm 2013, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho gần 9.000 hộ nghèo và cận nghèo vay trên 113 tỷ đồng, thì năm 2014 có gần 20.000 hộ được vay hơn 300 tỷ đồng. Chính từ nguồn trợ lực này, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả. Cuối năm 2014, số hộ thoát nghèo trên 14.400 hộ, số hộ thoát cận nghèo hơn 9.800 hộ, kinh tế nông hộ phát triển dựa trên nền tảng sản xuất kinh doanh vững chắc, có thu nhập ổn định.

Chị Huỳnh Thị Thảo ở xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, cho biết: “Mấy năm trước, được Nhà nước cho 1 con bò, sau cho vay thêm 10 triệu đồng mua thêm 1 con nữa. Nhờ chăm sóc tốt mà đàn bò đã tăng lên 12 con, mỗi ngày cho từ 50 - 70kg sữa, thu được 600.000 đến 1 triệu đồng, nên cuộc sống gia đình khá lên, con cái được học hành đàng hoàng”.

Điều mà các cấp lãnh đạo luôn quan tâm chính là làm sao để người dân sử dụng nguồn hỗ trợ đúng mục đích, có hiệu quả, tránh trông chờ ỷ lại. Chính vì vậy, các nguồn vốn hỗ trợ người nghèo ở Sóc Trăng hiện nay được triển khai với nhiều hình thức: từ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã nghèo, các xã vùng sâu, hỗ trợ trang thiết bị máy móc, cây con giống, kỹ thuật… để người dân có thể tự sản xuất kinh doanh tăng thu nhập.

Việc giúp hộ nghèo an cư, yên tâm sản xuất, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đề án về chính sách hỗ trợ giải quyết đất sản xuất, đất ở, kết hợp đào tạo nghề trên 12.000 người và giải quyết việc làm bình quân cho trên 22.000 lao động hàng năm. Nhiều hộ sau khi được cấp đất cấp nhà, đào tạo nghề đã có thể vận dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất được mở rộng, thu nhập tăng lên rõ rệt.

Bà Trần Thị Sơn ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên cho biết: Gia đình bà không đất sản xuất, con cái lớn đi làm mướn thu nhập không được bao nhiêu, vợ chồng bà tuổi già không làm được việc gì. Nhờ nhà nước hỗ trợ mà nay cuộc sống gia đình đã no đủ hơn.

Giảm nghèo bền vững

Xác định ngay từ đầu, giảm nghèo không chỉ là nâng cao thu nhập mà còn nâng cao dân trí, đời sống tinh thần của người dân, Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện song song các dự án tín dụng ưu đãi hộ nghèo và dạy nghề cho lao động nông thôn, với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ khám chữa bệnh, cấp thẻ bảo hiểm y tế và các dịch vụ y tế cho bà con nghèo vùng sâu, hỗ trợ con em người nghèo trong giáo dục đào tạo, hiện có gần 100% trẻ em nghèo được phổ cập giáo dục hàng năm.

Từ sự quan tâm của Nhà nước, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, từ đó hình thức kinh tế tập thể, cùng giúp nhau thoát nghèo ngày càng được nhân rộng. Tính riêng lĩnh vực nông nghiệp, Sóc Trăng đã có hơn 85 hợp tác xã và trên 1.000 tổ hợp tác với trên 27.000 thành viên, 337 mô hình cánh đồng mẫu có diện tích 37.000ha, thu hút trên 30.200 hộ tham gia và 8 cánh đồng lớn ở các địa phương trong tỉnh, những mô hình này đã cho thấy hiệu quả của việc nông dân giúp nhau cùng phát triển kinh tế.

Ông Trương Minh Tính ở tổ 1 cánh đồng mẫu xã Trường Khánh, huyện Long Phú, cho biết: “Tham gia cánh đồng mẫu, bà con được tiếp cận kỹ thuật mới nên năng suất lúa cao hơn trước, lợi nhuận cũng cao hơn; bà con học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, thương lái đến mua lúa với số lượng lớn nên giá cả cũng cao, thương lượng cũng dễ dàng hơn”. Hiện tại có 22 hợp tác xã và 186 tổ hợp tác tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Tỉnh còn có chủ trương hội nhập, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Sóc Trăng để phát triển kinh doanh, tạo thêm cơ hội cho người nghèo có việc làm. Bên cạnh sự trợ lực của Nhà nước, doanh nghiệp, động lực vươn lên thoát nghèo còn phải xuất phát từ chính người dân, vì ấm no, sung túc sẽ đến nếu bà con có ý chí vượt khó và biết nắm bắt cơ hội.

 In bài viết
Văn bản điều hành