Sơn Phú: Đi lên từ Chương trình 135

Chương trình 135 đã mang lại nhiều đổi thay cho những địa phương thụ hưởng, trong đó có người dân xã Sơn Phú (Định Hóa - Thái Nguyên). Không chỉ hệ thống hạ tầng được xây dựng hoàn thiện, bà con còn được hỗ trợ giống cây trồng - vật nuôi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất.

Ông Âu Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Phú cho biết: “Sơn Phú đã đổi thay nhiều rồi. Xã không còn hộ đói, bản làng như được khoác tấm áo mới”. Nói rồi ông đưa tôi đi tham quan một vòng quanh xã. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là gia đình ông Vũ Văn Viên ở thôn Văn Phú, một trong những hộ đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo. Năm 2002, gia đình ông được hỗ trợ một con bò cái sinh sản từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, đàn bò đã tăng lên 15 con, chỉ tính riêng tiền bán bò, ông đã có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn vay vốn mở rộng diện tích vườn cây ăn quả. Từ một trong những hộ nghèo nhất thôn, gia đình ông đã trở thành hộ giàu.

Cách đó không xa là gia đình anh Phương Văn Dương, người Cao Lan, ở bản Cây Hồng cũng đi lên từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135. Năm 2003, sau khi nhận được vốn hỗ trợ, anh đầu tư mua dê về nuôi. Ban đầu ít vốn anh chỉ nuôi gần 10 con, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, đàn dê được chăm sóc tốt nên phát triển nhanh, có thời điểm lên đến gần 100 con. Sau 5 năm, anh Dương đã xây được căn nhà kiên cố, mua sắm nhiều tiện nghi hiện đại.

Có hướng đi khác trong việc sử dụng vốn hỗ trợ sản xuất, chị Trần Thị Sinh ở bản Trang đã đầu tư cải tạo vườn chè năng suất thấp sang trồng giống chè cành theo hướng an toàn. Với hơn 1ha chè, chị không chỉ tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động trong thôn. Thấy cách làm của chị Sinh đem lại hiệu quả cao, nhiều người dân trong xã đã học tập làm theo. Chè nhanh chóng trở thành cây xóa đói giảm nghèo của Sơn Phú.

Văn Thương
(Nguồn: kinhtenongthon.com)

[TT: H.T.N]

 In bài viết
Văn bản điều hành