Sự “lột xác” của một vùng quê nghèo

Bên cạnh việc quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, người dân Nà Khuổi (Bắc Kạn) đã lam lũ làm kinh tế với quyết tâm thoát nghèo. Nhờ vậy, đến nay, Nà Khuổi đã rũ bỏ được “chiếc áo rách cũ” để khoác lên mình “chiếc áo mới” ấm no.

Bên cạnh việc quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, người dân Nà Khuổi (Bắc Kạn) đã lam lũ làm kinh tế với quyết tâm thoát nghèo. Nhờ vậy, đến nay, Nà Khuổi đã rũ bỏ được “chiếc áo rách cũ” để khoác lên mình “chiếc áo mới” ấm no.

Nà Khuổi có 70 hộ dân, gồm khoảng 300 nhân khẩu, vùng quê này được biết đến là một trong những địa phương có tỷ lệ xóa nghèo nhanh nhất của tỉnh Bắc Kạn. Trước kia, hầu hết người dân Nà Khuổi sống trong cảnh đói nghèo, phải phụ thuộc vào sự trợ cấp của nhà nước. Vì vậy, khi phong trào xóa đói giảm nghèo trong thôn đặt ra tỷ lệ hộ thoát nghèo đạt 50% đã khiến người dân hoang mang, hoài nghi về khả năng đạt được... Ấy vậy mà, hiện nay, tỷ lệ nghèo đói của Nà Khuổi chỉ còn 10%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả tỉnh Bắc Kạn là 30%. Đây là những con số biết nói, cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của người dân cũng như chính quyền địa phương trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng của Nà Khuổi cũng có những đổi thay đáng mừng. Đường xá dẫn vào Nà Khuổi hiện nay sạch đẹp, dễ đi chứ không xộc xệch, “ổ gà ổ vịt” khó khăn như những năm về trước - khi mà cái đói, cái nghèo còn bao trùm lên cả vùng quê này.

Song song với bước tiến về kinh tế, công tác văn hóa – giáo dục của Nà Khuổi cũng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Những năm gần đây, Nà Khuổi liên tục đạt được danh hiệu Làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh. Ngoài ra, Nà Khuổi còn là một thôn tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn về công tác giáo dục. Chú trọng vào công cuộc “vì lợi ích trăm năm trồng người”, trên địa bàn thôn đã có đủ các trường mẫu giáo, trường học, đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được cắp sách đến trường. Đặc biệt, mặc dù chỉ là một thôn nhỏ bé nhưng Nà Khuổi hiện đang có tới 15 thanh niên theo học tại các trường đại học và cao đẳng cùng các trường nghề trong cả nước.

Để có được những kết quả đáng ghi nhận như trên, suốt những năm qua, Nà Khuổi đã sôi nổi thực các phong trào nhỏ nằm trong tổng thể của một phong trào lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lồng ghép đưa vào để phát triển kinh tế. Với phương châm đưa thôn nghèo đi lên, Nà Khuổi còn “Người người lao động, nhà nhà sản xuất”… Đặc biệt, được sự hỗ trợ của các ban, ngành, cán bộ mặt trận các cấp, người dân Nà Khuổi đã được tiếp cận, tham gia các lớp tập huấn, những mô hình phát triển kinh tế ở những vùng có điều kiện tự nhiên và xã hội tương tự như thôn mình.

Câu chuyện “thay áo mới” của Nà Khuổi cũng không thể không nhấn mạnh đến nỗ lực vươn lên của những người dân trong thôn. Trong đó có gia đình anh Hoàng Văn Ngôn. Trước kia, gia đình anh Ngôn cũng nghèo lắm, nghèo như bao gia đình khác phải nương nhờ vào mấy đồng trợ cấp của nhà nước để sống qua ngày. Tuy nhiên, từ khi phong trào xóa đói giảm nghèo về tới thôn Na Khuổi, gia đình anh lập tức tích cực hưởng ứng, bởi hơn ai hết, anh cùng người thân đã thấm thía đủ nỗi cơ cực của cái nghèo, cái khó. Tham gia phong trào, gia đình anh Ngôn không quản vất vả, khó nhọc, chăm chỉ, cần cù, lao vào chăm sóc những sào ruộng, sào nương, đồng thời, gia đình anh còn quay thêm trồng rừng và chăn nuôi gia súc. “Trời không phụ lòng người”, những cố gắng của anh Ngôn cùng gia đình cuối cùng cũng được đền đáp. Đến nay, các khoản thu nhập từ việc làm ruộng, làm nương, khai thác rừng và bán gia súc đã giúp gia đình anh không những thoát nghèo mà còn có đời sống no ấm. Không chỉ vậy, mỗi năm, gia đình anh Ngôn còn bỏ ra được cả trăm triệu để tiếp tục đầu tư làm ăn.

Chuyện cố gắng vươn lên thoát nghèo làm giầu của gia đình anh Ngôn đã trở thành cảm hứng tạo niềm tin cho bà con trong thôn noi theo. Nhờ sự quyết tâm lao động của người dân toàn thôn mà năng suất, lợi nhuận thu được từ đồng ruộng, nương rẫy của thôn đã ngày càng tăng, theo đó đời sống của người dân cũng dần được cải thiện, no đủ, hơn thế, nhiều nhà đã có động lực để vươn lên làm giầu. Cứ thế người dân đua nhau hăng say sản xuất “dệt” nên “tấm áo” mới tươi đẹp cho thôn Khuổi.

 In bài viết
Văn bản điều hành