Tam Nông ở Lào Cai

Sau bốn năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, đặc biệt sau một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (gọi tắt là tam nông), "bức tranh" nông thôn vùng cao Lào Cai đã có nhiều mảng sáng. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc kết cấu hạ tầng nông thôn được hoàn thiện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn rõ nét.

  • Kết cầu hạ tầng- điểm nhấn "bức tranh" nông thôn Lào Cai

Với đặc thù một tỉnh miền núi, vùng cao, 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, vì vậy, đầu tư cho khu vực nông thôn là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh Lào Cai. Theo đó, mỗi năm tỉnh Lào Cai đều dành từ 60 - 65% nguồn đầu tư qua ngân sách quản lý cho khu vực nông thôn. Trên cơ sở 7 chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được hiện thực hoá bằng 29 đề án, nghị quyết chuyên đề cho cả giai đoạn (2005- 2010), các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh lấy đó làm định hướng lớn để xây dựng kế hoạch dài hạn, cân đối hài hoà các nguồn lực nhằm ưu tiên đầu tư cho khu vực nông thôn. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm việc đầu tư phát triển nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lào Cai nói riêng và của cả nước nói chung bằng các chương trình, dự án cụ thể, đã tạo điều kiện cho Lào Cai về nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nông thôn. Có thể kể đến: Chương trình 135 (phát triển kinh tế - xã hội các xã miền núi đặc biệt khó khăn), Quyết định 120 (phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt - Trung), Quyết định 134 (hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn), Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị (phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung Du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010); chương trình bố trí lại dân cư; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi; vốn trái phiếu Chính phủ; dự án phát triển lưới điện nông thôn; Nghị quyết 30a... Do đó, hạ tầng kinh tế vùng nông thôn Lào Cai ngày càng được hoàn thiện, tác động rõ rệt đến phát triển kinh tế nông nghiệp và đời sống nhân dân vùng nông thôn, đồng thời khẳng định việc sử dụng các nguồn đầu tư cho nông thôn của Lào Cai đúng và trúng, mang lại hiệu quả thiết thực, hợp với ý Đảng, lòng dân.

Cụ thể, đến hết năm 2009 đã làm mới 288 hệ thống, nâng cấp 135 hệ thống cấp nước tập trung góp phần nâng tỷ lệ hộ nông thôn có đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 62% (năm 2006) lên 74% (năm 2009); trạm y tế, trường học, trụ sở UBND các xã đều được đầu tư cơ bản đủ nước, góp phần nâng cao sức khoẻ nhân dân, giảm đáng kể tỷ lệ người mắc bệnh do sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh.

Hệ thống thuỷ lợi ở khu vực nông thôn cũng được ưu tiên đầu tư, đến hết năm 2009 đã triển khai đầu tư trên 200 công trình, diện tích chủ động nước tưới tăng thêm 7.630ha; tỷ lệ diện tích vụ mùa được chủ động đủ nước tưới tăng từ 74% (năm 2005) lên 81% (năm 2009). Hệ thống thuỷ lợi được đầu tư đã góp phần quan trọng tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất canh tác, sản lượng lương thực có hạt đến nay đạt trên 210.000 tấn.

Hệ thống điện lưới được đầu tư phát triển mạnh, đảm bảo mục tiêu đến năm 2010: 100% số xã, 70% thôn, bản có điện lưới; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới đạt 73%. Bằng sự cố gắng huy động các nguồn lực, đến hết năm 2009, 163/163 xã, phường trong tỉnh được sử dụng điện lưới (riêng xã Dền Thàng, huyện Bát Xát chưa được sử dụng điện lưới). Tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng điện lưới tăng từ 50,1% (năm 2005) lên 75% (năm 2009), vượt mục tiêu đề ra đến năm 2010. Lưới điện được mở rộng đã tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, dịch vụ nông nghiệp - nông thôn phát triển, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng khác như giao thông, chợ, trường học, trạm y tế xã được đầu tư mạnh, góp phần cơ bản hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn.

  • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn rõ nét

Kết thúc giai đoạn 2000 - 2005, cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn đã chuyển dịch mạnh tuy nhiên xuất phát điểm trong nông nghiệp còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế. Trình độ canh tác thấp, nhận thức của nhân trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, tỷ lệ đói nghèo còn cao, chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng cao. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở chưa đủ sức giải quyết các vấn đề đặt ra trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Mạng lưới dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở cơ sở chưa đáp ứng được đòi hỏi của sản xuất hàng hoá. Do đó, bước vào giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh Lào Cai đã ban hành 7 chương trình trọng tâm, 29 đề án. Trong đó có đề án "chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng nhanh giá trị thu nhập, chủ động sản xuất và cung ứng giống tốt". Để thực hiện đề án này, cùng với việc ban hành các chương trình, đề án, UBND tỉnh cũng đã ban hành các cơ chế chính sách mang tính đầu tư chiều sâu cho nông nghiệp - nông thôn, đồng thời điều chỉnh, bổ sung kịp thời như chính sách thâm canh chè, hỗ trợ trồng cây thuốc lá, sản xuất tăng vụ; xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy hoạch làm cơ sở chỉ đạo hoạt động sản xuất; đầu tư sản xuất giống tại chỗ; kiện toàn mạng lưới khuyến nông và thú y cơ sở.

Kết thúc năm 2009, vượt qua những khó khăn (rét hại, bão lũ), sâu bệnh song sản xuất nông nghiệp vẫn được mùa, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 220.850 tấn, tăng 21.078 tấn so với cùng kỳ (vượt mục tiêu đề ra đến năm 2010 là 20.850 tấn). Đặc biệt, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn rõ nét trên một số lĩnh vực, đó là: cơ cấu giống kỹ thuật đưa vào gieo cấy tăng, trong đó giống lúa kỹ thuật chiếm 91,65% diện tích (lúa lai 72,68%), ngô lai chiếm 72,1% diện tích. Diện tích cây thuốc lá không ngừng được mở rộng, năm 2009 trồng được 250,7 ha, tăng 180,5ha so với năm 2008; đầu tư xây mới được 410 lò sấy, nâng tổng số lò sấy lên 612 lò. Diện tích chè trồng mới đến nay đạt 1.1818ha, vượt trên 18% mục tiêu đề án đến năm 2010. Các doanh nghiệp tổ chức thu mua 6.015 tấn, chế biến đạt 1.335 tấn, trong đó xuất khẩu 870 tấn. Đặc biệt, năm 2009, tỉnh Lào Cai được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận ba giống lúa lai mới LC 25, LC 212 và LC 270; sản xuất được trên 300 tấn hạt giống lúa lai F1 và gần 20 tấn hạ giống bố mẹ, bước đầu phát huy được lợi thế so sánh. Lĩnh vực thuỷ sản có bước phát triển cơ bản, diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng thuỷ sản đạt 1.634 ha, sản lượng nuôi trồng đạt 2.878 tấn, so với năm 2008, sản lượng cá đặc sản nước lạnh đạt 125 tấn.

Bằng các nguồn lực đầu tư, diện mạo nông thôn Lào Cai đã có nhiều đổi thay, từng bước hình thành nhiều vùng nông thôn mới như: Quang Kim (Bát Xát); Phú Nhuận, Xuân Quang (Bảo Thắng); Nậm Chảy, Bản Lầu (Mường Khương), Nậm Cang (Sa Pa).

(Nguồn: Báo Lào Cai)

[TT: H.T.N]

 In bài viết
Văn bản điều hành