Tỉnh Sóc Trăng có 109 xã, phường, thị trấn, thì có tới 85 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào Khmer sinh sống. Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ, đời sống đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đang đổi thay nhanh chóng. Kinh tế ngày càng phát triển, mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần cũng được nâng lên, công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng đồng bào Khmer mỗi ngày một đổi khác.
Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định 167 của TTg Chính phủ về triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ đồng bào Khmer nghèo, đến nay tỉnh đã hoàn thành trên 27.000 căn nhà cho các hộ nghèo, chủ yếu là hộ Khmer với kinh phí gần 500 tỷ đồng. Thực hiện QĐ 74 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ đào tạo nghề cho hộ Khmer khó khăn, đến nay đã có trên 2.650 hộ được hỗ trợ đất ở; 2.250 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, trên 10.200 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề và hơn 36.600 hộ được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, mua nông cụ sản xuất... với tổng mức hỗ trợ trên 210 tỷ đồng. Riêng năm 2012, từ chương trình 135 đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, tỉnh Sóc Trăng đã được đầu tư 86 tỷ đồng thực hiện các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở vùng đồng bào Khmer. Tính trung bình, mức đầu tư cho xã đông đồng bào Khmer ở Sóc Trăng từ các chương trình mục tiêu quốc gia như 135, chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ việc làm, trợ giá trợ cước... tới trên 1 tỷ đồng/năm, nhờ đó kết cấu cơ sở hạ tầng nông thôn của vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa của tỉnh Sóc Trăng đã được đầu tư khá tốt. Hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế... ngày càng được khang trang, nhiều công trình dân sinh phục vụ bà con đã phát huy tác dụng đạt hiệu quả cao, tạo điều kiện cho bà con mở rộng sản xuất, lưu thông hàng hóa và nâng cao thêm điều kiện sống, trình độ dân trí, dân sinh cho bà con.
Ông Dương Sà Kha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong những năm gần đây, Đảng và nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện cho đồng bào Khmer phát triển về mọi mặt. Riêng trong năm 2012 vừa qua, toàn tỉnh đã có 12.250 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo của tỉnh xuống còn 62.682 hộ (chiếm 20,1%); trong đó có 2.310 hộ Khmer thoát nghèo; tỉnh có 82.758 hộ Khmer có điện sử dụng (đạt tỷ lệ 89,13% so với tổng số hộ Khmer; trên 63.000 hộ Khmer được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (tỷ lệ gần 70%). Trong lĩnh vực giáo dục, toàn tỉnh có 75.120 học sinh là con em đồng bào Khmer ở các cấp học, chiếm 28,81%. Tỉnh đã đầu tư xây dựng 9 trường Phổ thông Dân tộc nội trú với 76 lớp học, có 2.390 học sinh theo học. Công tác chăm sóc sức khỏe, y tế cộng đồng ở vùng đồng bào Khmer được đặc biệt quan tâm, tuyên truyền, phòng chống bệnh dịch và chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo được cấp bảo hiểm miễn phí.
Trong những năm qua, các cấp chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo và phật giáo Nam tông Khmer sinh hoạt, hoạt động theo đúng pháp luật. Các hoạt động tôn giáo, lễ, hội truyền thống của đồng bào Khmer được quan tâm và tạo điều kiện, tạo không khí phấn khởi cho đồng bào dân tộc tổ chức lành mạnh, vui tươi, an toàn và tiết kiệm.
Nhờ các chính sách quan tâm đầu tư, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer ở Sóc Trăng cùng với nỗ lực thực hiện tích cực của các cấp chính quyền, đoàn thể, địa phương mà đời sống người dân Khmer ở Sóc Trăng đã có sự tiến bộ nhanh chóng, nhiều hộ biết áp dụng tốt kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tính toán làm ăn có hiệu quả, trình độ dân trí được nâng lên. Nhiều hộ Khmer ngày nay từ làm lúa, làm vườn, chăn nuôi trang trại, bò sữa... đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đồng bào Khmer Sóc Trăng luôn phấn khởi, tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng nhau đoàn kết vươn lên thoát nghèo đi lên no ấm.
( Theo baotintuc.vn)
[TT: LPM]