Tập huấn công tác giảm nghèo năm 2017 tại An Giang
Trong 2 ngày từ 13-14/7, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TBXH) đã tổ chức Lớp tập huấn công tác giảm nghèo năm 2017 cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các tỉnh khu vực miền Nam.
Tham dự Lớp tập huấn có Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cùng một số chuyên gia đến từ các Bộ, ngành. Về phía tỉnh An Giang, có ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Đặng Thị Hoa Rây, Giám đốc Sở LĐ-TBXH; đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TBXH, lãnh đạo, chuyên viên các phòng Bảo trợ xã hội, phòng LaĐ-TBXH các huyện thuộc các tỉnh: Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Thuận, Bình Định, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hải Dương.
Mục tiêu của đợt tập huấn là nhằm chia sẻ, trao đổi và cung cấp các thông tin về các cơ chế, chính sách mới của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 cho các địa phương, qua đó giúp các địa phương thực hiện tốt và hiệu quả chương trình.
Phát biểu khai mạc Lớp tập huấn, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp là một nội dung quan trọng trong việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 9/2016, đây là 01 trong 02 Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020, điều đó cho thấy sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ cho công tác giảm nghèo, nhằm tập trung hơn cho các đối tượng là người nghèo, địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đảm bảo Chương trình MTQG giảm nghèo được triển khai hiệu quả ở các cấp từ trung ương đến địa phương. Trên cơ sở hệ thống khuôn khổ pháp lý này, Bộ LĐ-TBXH đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế xây dựng các cuốn sổ tay giảm nghèo với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, hình ảnh sinh động, trực quan phù hợp với cán bộ giảm nghèo các cấp, đặc biệt là cấp xã, thôn, bản.
Cùng với đó, hệ thống chính sách giảm nghèo cũng từng bước được tổ chức rà soát, tích hợp theo hướng gọn đầu mối, tránh dàn trải, phân tán theo hướng: hạn chế các chính sách hỗ trợ cho không, tăng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên cơ sở chuyển đổi tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Toàn bộ các văn bản chính sách về giảm nghèo, các Thông tư hướng dẫn đã được Văn phòng Quốc gia giảm nghèo cập nhật đầy đủ đăng tải trên trang website Giảm nghèo bền vững, vì vậy nội dung tập huấn sẽ tập trung hướng dẫn các các kỹ năng, công cụ để triển khai thực hiện Chương trình, để từ đó các đồng chí sẽ là người về truyền đạt lại cho đội ngũ cán bộ cơ sở, hướng dẫn họ thực hiện có hiệu quả hơn những cơ chế mới của Chương trình. Đồng thời, lớp tập huấn sẽ giành thời gian để trao đổi, giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện ở cơ sở, từ việc xác định đối tượng đến thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo.
Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các đại biểu đã được nghe đồng chí Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo thông tin về những định hướng công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Về phía tỉnh An Giang, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2016-2017, cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh tập trung thực hiện với một quyết tâm cao. Bên cạnh việc triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách của Trung ương đến các đối tượng thụ hưởng, tỉnh đã chủ động ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách đặc thù phù hợp với tình hình mới. Các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Trong năm 2016, toàn tỉnh đã cấp trên 313 nghìn thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức khám chữa bệnh cho 22.307 lượt người nghèo; Miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác cho trên 150 nghìn học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo; Hỗ trợ đất ở cho 644 hộ. Bên cạnh đó, tỉnh An Giang đã tổ chức tuyển sinh dạy nghề cho gần 25.250 người, giải quyết việc làm cho 30.667 lao động. Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 33/QĐ-TTg, tính đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa trên 280 căn nhà cho hộ nghèo, với kinh phí trên 11,2 tỷ đồng. Cùng với đó, các chính sách trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện, cho vay tín dụng tiếp tục được quan tâm. Các công trình hạ tầng giao thông, khu hành chính cấp xã, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng, sửa chữa ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phương tiện sản xuất; nâng cao năng lực giảm nghèo cũng được chú trọng, đã có nhiều mô hình giảm hiệu quả được phát huy nhân rộng ra một số địa bàn trong tình. Nhờ triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm xuống. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh còn 36.726 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,75%, giảm 1,7% so với đầu năm 2016.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh An Giang đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,45% đầu năm 2016 xuống còn dưới 3% năm 2020; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 5,15% năm 2016 xuống dưới 2% năm 2020; Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện đời sống của người nghèo, trong đó tập trung ưu tiên đảm bảo các chính sách về nhà ở, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, đường giao thông đảm bảo cho người nghèo ngày càng tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản một cách dễ dàng và thuận lợi hơn. Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ ưu tiên đối với nhóm đối tượng hộ gia đình chính sách nghèo, hộ nghèo, cận nghèo mà chủ hộ là phụ nữ, hộ dân tộc thiểu số; ưu tiên những địa bàn trọng điểm như huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 10%, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên và xã thuộc vùng khó khăn.