Tập trung giảm nghèo cho miền núi

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc với tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Khánh Hòa. Qua làm việc, đoàn đánh giá Khánh Hòa là tỉnh hiếm hoi hỗ trợ cả về nhà ở, đất sản xuất và sinh kế cho hộ nghèo, công tác an sinh xã hội đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Hơn 2.000 tỷ đồng để giảm nghèo


Những năm qua, tỉnh đã ban hành khá nhiều chính sách và dành nguồn lực đáng kể nhằm thực hiện chương trình giảm nghèo một cách hiệu quả. Chỉ tính trong năm 2016, đã có hơn 83.000 người nghèo được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế với kinh phí 53,5 tỷ đồng, gần 49.000 người cận nghèo được hỗ trợ mức đóng mua thẻ bảo hiểm y tế; gần 5.000 học sinh, sinh viên diện hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi hỗ trợ giáo dục; hơn 6.800 học sinh được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; 72 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; hơn 27.000 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện; trên 35.000 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tiếp cận được vốn vay ưu đãi với gần 700 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn có các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán…

Song hành với các chính sách đặc thù, các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng được triển khai một cách sâu rộng. Có 5 dự án thuộc chương trình được triển khai. Ngoài dự án 1 (chương trình 30a) hỗ trợ các huyện đặc biệt khó khăn nhưng Khánh Hòa không có đối tượng, trong năm 2016, gần 10 tỷ đồng được dành cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã đặc biệt khó khăn (dự án 2); 6,3 tỷ đồng hỗ trợ 710 hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo (dự án 3); 100 triệu đồng triển khai các hoạt động truyền thông và giảm nghèo về thông tin (dự án 4) và 350 triệu đồng để tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã theo dự án nâng cao năng lực và giám sát đánh giá (dự án 5).


Cũng trong năm 2016, tỉnh đã huy động được trên 2.000 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, kết quả số hộ nghèo từ 27.000 hộ đầu năm giảm xuống còn 21.000 hộ vào cuối năm. Theo đồng chí Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, những năm qua, tỉnh luôn xem công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đã và đang có sự quan tâm đặc biệt bằng nhiều chính sách đặc thù. Trong giai đoạn 2017 - 2020, ngoài thực hiện những chính sách do Trung ương phê duyệt, tỉnh tiếp tục xây dựng và triển khai các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo tăng thu nhập; tiếp cận y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, điện, vệ sinh môi trường và thông tin. Mục tiêu của tỉnh là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5 đến 2% mỗi năm, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh chỉ còn dưới 2% hộ nghèo.


Tập trung cho 2 huyện miền núi


Được biết, đến hết năm 2016, toàn tỉnh còn trên 21.000 hộ nghèo. Riêng 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao (xấp xỉ 65%).


Theo lãnh đạo tỉnh, khó khăn hiện nay là nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn hạn chế do tỉnh thuộc diện tự cân đối ngân sách; đối tượng hộ nghèo chủ yếu rơi vào 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, đây cũng là vùng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nên quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc, UBND các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Vạn Ninh chủ động làm việc với bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh vào danh mục các huyện được hưởng cơ chế của Chương trình 30a và bổ sung danh mục các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của tỉnh vào danh mục đầu tư. Được biết, chương trình 30a thuộc Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ xuất khẩu lao động.


“Trong giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách an sinh xã hội, ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ người nghèo, chính sách cho các hộ không có khả năng thoát nghèo… Đặc biệt là tạo cơ chế khuyến khích cho vay theo nhóm hộ, theo dự án vùng và tiểu vùng để từng bước nâng tầm quy mô sản xuất của người nghèo, chuyển dần từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn liền hoạt động khuyến nông - lâm - ngư với hoạt động tín dụng nhằm nâng cao thu nhập giúp người dân thoát nghèo bền vững”, đồng chí Nguyễn Duy Bắc cho biết.


 In bài viết
Văn bản điều hành