Thạch Thất dẫn đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới
Thạch Thất (TP Hà Nội) là huyện thuần nông, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) toàn huyện có tới 13 trong số 22 xã hoàn thành các tiêu chí, trở thành một trong những huyện dẫn đầu phong trào xây dựng NTM của TP Hà Nội.
Hiệu quả từ những mô hình sản xuất tập trung
Tính đến năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp của Thạch Thất
đạt 203 triệu đồng/ha, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,64%, giảm 12,1% so với năm 2011.
Đến nay, 13 trong số 22 xã đã hoàn thành tất cả 19 tiêu chí xây dựng NTM, các xã
còn lại đều đạt từ 14 tiêu chí trở lên. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 35
triệu đồng/năm, phấn đấu đến năm 2018 sẽ tăng lên 70 triệu đồng/người/năm. Trao
đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho
biết, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là
mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng NTM. Cho nên, ngay sau khi triển khai
chương trình huyện đã đặt ra những mục tiêu cụ thể để phấn đấu.
Với đặc thù là huyện thuần nông, muốn nâng cao đời sống, tăng
thu nhập cho người dân thì phải thay đổi tư duy sản xuất, định hướng người dân
xây dựng vùng sản xuất hàng hóa lớn. Toàn huyện hiện có 52 trang trại chăn nuôi,
115 mô hình chuyển đổi từ ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy
sản. Nhiều mô hình đã đem lại thu nhập cao cho người dân như mô hình trồng hoa
lan ở Hương Ngải, trồng hoa ly ở Đại Đồng, chăn nuôi ở xã Yên Bình, Hương Ngải,
trồng thanh long ruột đỏ, bưởi Diễn ở Kim Quan, Yên Bình...
Đưa chúng tôi đi tham quan khuôn viên trang trại rộng hơn 10
ha, ông Đào Xuân Nhung, xã Kim Quan cho biết, trang trại của ông chủ yếu trồng
cây ăn quả, nuôi lợn và thả cá, bình quân mỗi năm xuất bán khoảng 30 tấn nhãn,
20 tấn thanh long, 400 nghìn quả bưởi, 300 tấn lợn hơi và khoảng bảy tấn cá,
tổng thu khoảng 20 tỷ đồng. Trang trại nhà ông Nhung tạo việc làm thường xuyên
cho 10 lao động với mức lương từ bốn đến 10 triệu đồng/người/tháng. Không có
diện tích lớn như nhà ông Nhung nhưng trang trại tổng hợp rộng 1,4 ha của ông
Nguyễn Đỗ Thế Cường ở xã Hương Ngải mỗi năm cũng thu về cả tỷ đồng từ tiền bán
cá lăng, hoa lan và rau chùm ngây. Bà Trần Thu Thủy, cán bộ phòng Kinh tế huyện
Thạch Thất cho biết: Trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều trang trại chăn nuôi
quy mô lớn đem lại hiệu quả kinh tế như của gia đình ông Nhung, ông Cường.Nhằm
tạo động lực và phát huy thế mạnh, huyện Thạch Thất sẽ tạo điều kiện hỗ trợ các
xã xây dựng mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp.
Tiếp sức cho các làng nghề
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Thạch Thất có hơn 50 làng nghề,
trong đó 10 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Đó là các làng nghề sản
xuất cơ khí, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, làm nhà cổ... Gắn với làng nghề, toàn
huyện có hơn 900 doanh nghiệp và hơn 20.000 hộ sản xuất kinh doanh, đóng góp
không nhỏ vào phát triển kinh tế ở địa phương.
Ông Đặng Cao Năm, chủ doanh nghiệp Năm Lan cho biết: Làng nghề cơ khí ở đây
giống như một cụm công nghiệp thu nhỏ. Mỗi nhà là một xưởng sản xuất, tạo việc
làm thường xuyên, với mức lương ổn định cho nhiều lao động ở địa phương. “Cơ sở
nhà tôi chủ yếu sản xuất thép tròn, thép vuông, thép tấm với quy mô 10.000 m2 và
sử dụng thường xuyên hơn 60 lao động. 80% số lao động của cơ sở nhà tôi được
đóng bảo hiểm xã hội với mức lương dao động từ bốn đến 12 triệu
đồng/người/tháng”.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế của các làng nghề truyền thống,
phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện Thạch Thất đã xây dựng Đề án
phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề giai đoạn
2016-2020. Huyện quy hoạch nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề,
hỗ trợ người dân đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất. Không chỉ tạo mặt bằng sản
xuất, huyện Thạch Thất còn triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm
làng nghề như: Mộc Chàng Sơn, bánh chè Lam ở Thạch Xá. Nhờ đó, giá trị sản xuất
công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hằng năm tăng trưởng bình quân 13,6% và đạt
doanh thu hơn 2.430 tỷ đồng, chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế.
Những năm qua, Thạch Thất đã có nhiều chuyển biến tích cực về
phát triển kinh tế, tăng thu nhập nhanh và bền vững cho người dân. Ông Hoàng Chí
Lượng cho rằng, bí quyết đầu tiên của Thạch Thất là sớm xác định được các sản
phẩm chủ lực, có ưu thế của địa phương (cây trồng, vật nuôi, ngành nghề…). Tiếp
đó, huyện tập trung vào những ngành hàng mà địa phương đang làm, có lợi thế cạnh
tranh và có thị trường tiêu thụ ổn định; xây dựng và phát triển thương hiệu sản
phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công
nghiệp, các mặt hàng gia công, chế biến nông lâm thủy sản và phấn đấu mỗi xã có
ít nhất một mô hình sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả. Để phát
huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xây dựng lộ
trình cụ thể cho từng sản phẩm nông nghiệp, từ đó có hướng đầu tư trọng điểm lâu
dài, giúp người dân tích cực tham gia các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập,
khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để liên kết, hỗ trợ
cho sản xuất hàng hóa. Với quyết tâm, đồng lòng của chính quyền và nhân dân,
chúng tôi tin Thạch Thất sẽ sớm trở thành huyện nông thôn mới.