Thái Nguyên: Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ tôn giáo phát triển kinh tế

Trong những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) của tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Chị Đàm Thị Quy - dân tộc Nùng, xã Tân Thành (Phú Bình) là một trong những phụ nữ dân tộc thiểu số đã được tổ chức Hội LHPN hỗ trợ cho vay vốn để phát triển sản xuất. Xuất thân là hộ nghèo, từ nguồn vốn vay, chị đã chịu khó học hỏi, mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, quyết tâm vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, gia đình chị đã có trang trại chăn nuôi với trên 2.000 con gà mái đẻ, 1000 con gà thịt và 2 lò ấp trứng để cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài địa phương, thu nhập hàng tháng trên 30 triệu đồng. Chị Quy cho biết: Năm 2009, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo; được tổ chức Hội LHPN tạo điều kiện cho vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền 15 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Với số vốn vay được, chị đã mua 02 con lợn nái, đồng thời nuôi thêm gà mái đẻ và gà thả vườn. Sau một thời gian sản xuất, gia đình chị đã tăng thu nhập, đời sống cũng bớt khó khăn, chị quyết định đầu tư thêm 02 lò ấp gà với năng suất 3 ngày cho ra lò 1 phiên là 3.000 con giống. Năm 2013, gia đình chị đã đăng ký thành lập Công ty TNHH giống gia cầm Vạn Phúc, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất với lò ấp trứng hai buồng quay tự động, cho tỷ lệ gà nở cao, chất lượng con giống tốt hơn. Hiện nay, gia đình chị đang đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng trang trại để thả thêm 3000 con gà giống.

Thái Nguyên hiện có trên 49.700 hội viên phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số và hơn 8.800 hội viên tôn giáo, chiếm 25% trong tổng số hội viên. Trong những năm qua, các cấp Hội LHPN của tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững thông qua các phong trào như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”...; huy động nguồn vốn thông qua chương trình ủy thác, tín chấp với các ngân hàng và qua các nhóm tín dụng tiết kiệm, chương trình tài chính vi mô của Hội... Đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đang quản lý trên 800 tỷ đồng cho trên 70.000 hội viên phụ nữ vay, trong đó có gần 10 nghìn hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số và hội viên tôn giáo. Bên cạnh đó, để giúp chị em nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh các cấp Hội đã tích cực vận động cán bộ hội viên phụ nữ học nghề, tham gia phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, gia trại, kinh tế hộ. Ngoài ra, Hội đã vận động chị em tham gia các mô hình phát triển kinh tế tập thể như: lập các câu lạc bộ, nhóm sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã... Đến nay, đã có hàng trăm nhóm sở thích, tổ hợp tác và hàng nghìn câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế được thành lập. Thông qua các chương trình phối hợp, các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã có trên 31.000 lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được Hội giúp đỡ phát triển kinh tế, trong đó 10% là phụ nữ dân tộc thiểu số và tôn giáo.


Gia đình chị Ngô Thị Vân đã đầu tư nhà xưởng với các loại máy tôn sao chè, máy vò chè...

Một trong những kinh nghiệm hay được các cấp Hội trong toàn tỉnh triển khai thực hiện để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là “Tập huấn trước, vay vốn sau”. Trong 3 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được hơn 3.000 lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cho trên 187.000 lượt hội viên tham gia. Thông qua các lớp tập huấn này, chị em phụ nữ đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số và tôn giáo được cung cấp thêm các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc sản xuất, kinh doanh. Chị Ngô Thị Vân, hội viên phụ nữ theo Đạo Thiên Chúa ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên cho biết: Thông qua tổ chức Hội LHPN, chị được tham gia vào các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè, các lớp tập huấn kỹ năng khởi sự doanh nghiệp, kỹ năng bán hàng, kết nối kinh doanh. Từ đó, chị biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng kỹ năng kinh doanh tìm thị trường tiêu thụ chè. Gia đình chị đã mạnh dạn đưa những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao vào thâm canh, đồng thời áp dụng sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và tập trung sản xuất các sản phẩm chè đặc sản... với giá bán từ 2,5 đến 3 triệu đồng/1kg. Cùng với việc trồng và chế biến chè, gia đình chị còn mở rộng kinh doanh dịch vụ, thu mua thêm sản phẩm chè tươi về chế biến, với gần 10 tấn chè thành phẩm/năm, cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng. Hiện, gia đình chị đã xây dựng được khu nhà xưởng sản xuất chế biến chè với mặt bằng 200m2; đầu tư được các loại máy sao tôn chè, máy vò chè, máy đóng túi chè hút chân không, máy ép miệng túi...; tạo việc làm cho 10 đến 15 lao động. Với việc tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh chè, mỗi năm gia đình chị cho thu nhập gần 3 tỷ đồng.

Nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN các cấp, đời sống của phần lớn các hộ hội viên phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo đã được nâng lên; đã xuất hiện nhiều điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo tiêu biểu làm kinh tế giỏi; ngày 3/10 vừa qua, đã có 45 gương phụ nữ tiêu biểu là người dân tộc thiểu số và tôn giáo làm kinh tế giỏi được Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh khen thưởng. Để hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo phát triển kinh tế đạt hiệu qủa cao hơn, trong thời gian tới, các cấp hội LHPN sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của địa phương về phát triển kinh tế tại những địa bàn có đông hội viên dân tộc, tôn giáo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng để huy động nguồn lực, đặc biệt tập trung phát triển các mô hình tổ, nhóm sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, thu hút lao động nữ; tổ chức các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số và tôn giáo...

 In bài viết
Văn bản điều hành