Thái Nguyên: Những đổi thay từ Chương trình 135 ở Định Hóa
Định Hóa - vùng đất căn cứ cách mạng xưa là một huyện miền núi có có 14 dân tộc chung sống. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đặc biệt hợp phần hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135, những năm qua, diện mạo nông thôn, miền núi Định Hóa đã có những chuyển biến tích cực.
Trong những năm qua, thông qua Chương trình 135,
bộ mặt nông thôn Định Hóa đã có nhiều bước chuyển đáng mừng, đời sống đồng bào
các DTTS trên địa bàn có bước phát triển, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm.
Từ cuối năm 2015, gia đình anh Nguyễn Văn Huy,
dân tộc Tày ở xóm Tổ, xã Phượng Tiến mua được chiếc máy cày trị giá gần 11,5
triệu đồng. Nguồn hỗ trợ sản xuất từ Chương trình 135 chỉ hỗ trợ 5 triệu nhưng
chừng đó cũng đủ để gia đình anh Huy mua được chiếc máy cày phục vụ sản xuất.
Anh Huy chia sẻ: “Ngày trước chưa có máy móc thì phải dùng trâu kéo, giờ mình có
máy cày rồi lao động đỡ vất vả hơn, hiệu quả công việc cao hơn trước nên gia
đình bán đi con trâu để lấy tiền đầu tư cho ruộng đồng”.
Niềm vui của gia đình anh Huy còn được nhân lên khi giữa năm 2015, cũng từ nguồn
vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135, gia đình anh được mua ưu đãi giống
ngô lai để phát triển sản xuất. Anh Huy cho biết: “Một kg ngô giống trên thị
trường có giá 100 ngàn đồng, với các hộ được hỗ trợ sản xuất chỉ phải mua với
giá 38 ngàn đồng.Vụ ngô vừa rồi, nhà anh canh tác 5 sào, thu về khoảng 5 tạ/sào,
vừa có ăn vừa bán cho thương lái để đầu tư cho các vườn đồi, ruộng của gia đình”.
Cũng giống như hộ anh Huy, năm 2015, hộ gia đình
anh Nguyễn Văn Giới, ngụ cùng xóm Tổ cũng được hỗ trợ máy cày phục sản xuất. Anh
Giới phấn khởi: “Rõ ràng có máy móc, sức lao động của con người giảm đi mà năng
suất lao động cao hơn. Không chỉ có tác dụng trên đồng ruộng, tôi còn dùng máy
cày để chở hàng nông sản ra trung tâm để bán. Cuộc sống gia đình ổn định hơn
trước rất nhiều. Năm nay, nếu được hỗ trợ sản xuất tiếp, gia đình sẽ đầu tư
trồng cầy hồng, cây táo và chăn nuôi lợn, như vậy chắc thoát được nghèo”.
Ông Trần Tiến Lâm, Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến
cho biết: Năm 2015, xã làm chủ đầu tư của Chương trình 135, chúng tôi thực hiện
việc hỗ trợ sản xuất theo nguyện vọng của người dân, có 13 hộ đăng ký mua máy
cày và xã đã thực hiện hỗ trợ đạt 100%. Năm nay, xã đang xây dựng phương án hỗ
trợ lợn sinh sản cho các hộ dân có nguyện vộng phát triển sản xuất. Phương án đã
trình lên huyện, chỉ chờ có vốn là chúng tôi triển khai hỗ trợ tới đồng bào, đảm
bảo đúng, đủ, nghiêm túc và hiệu quả.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông
thôn huyện Định Hóa: Từ đầu năm 2016 đến nay, huyện đã giải ngân hơn 2,8 tỉ đồng
hỗ trợ sản xuất cho 350 hộ đồng bào các mô hình sản xuất như chăn nuôi dê, hỗ
trợ trồng chè, trồng cây ăn quả; thực hiện hỗ trợ mua máy nông cụ cho 700 hộ.
Năm 2016, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch hỗ trợ sản xuất cho 1.451 hộ dân với
tổng kinh phí 9 tỉ 661 triệu đồng để đồng bào chăn nuôi lợn sinh sản, nuôi bò,
trồng chè, mua máy tuốt lúa, máy cắt cỏ, máy cày bừa cầm tay…
“Với những thành quả đã đạt được từ hợp phần hỗ trợ sản xuất thời gian qua,
chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công trong việc hỗ trợ sản xuất theo
các phương án đã xây dựng cho năm 2016 và những năm tiếp theo; góp phần giúp
đồng bào các DTTTS trên địa bàn Định Hóa ổn định sản xuất và vươn lên thoát
nghèo” - ông Ngô Quốc Tự, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ
quan Thường trực hợp phần hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 huyện Định Hóa
khẳng định.