Thanh Hóa: Giải pháp giúp người dân thoát nghèo
Đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của hộ anh Hà Minh Châu ở làng Cui xã Đồng Lương, gặp gỡ, trò chuyện với 2 vợ chồng trẻ, chúng tôi thực sự khâm phục trước sự mạnh dạn và ý chí vươn lên của gia đình anh. Chị Ngô Thị Hiền – vợ anh Châu vừa đổ thức ăn cho đàn lợn chi vừa cho biết: Tổng đàn lợn của gia đình hiện có hơn 80 con, trong đó có 6 con lợn nái mẹ, còn lại là các lứa lợn thịt “gối” nhau. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị Hiền lãi vài chục triệu đồng.
“Ban đầu, gia đình tôi được vay vốn của Nhà nước,
nên đầu tư nuôi lợn nái và lợn thịt. Với cách nuôi “gối” lứa, nên cứ vài tháng
lại xuất bán lợn một lần, mỗi lần bình quân khoảng trên dưới 1 tấn. Ngoài nuôi
lợn, vợ chồng tôi còn nuôi thêm gà và vịt”- chị Hiền chia sẻ.
Cũng qua chương trình 135, anh Lê Văn Diếp, Hội
viên hội nông dân thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương được hỗ trợ lợn giống để phát
triển kinh tế gia đình. Nhờ chăm chỉ làm ăn, hiện nay gia đình anh đã có thu
nhập từ 25-30 triệu đồng/năm.
Trong giai đoạn 2011-2015, nguồn vốn của Chương
trình 135 đã đầu tư về huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) hàng chục tỷ đồng đầu tư
phát triển kết cấu hạ tầng như: Trường học, đường giao thông, hệ thống điện,
trạm y tế, hỗ trợ mua trâu bò sinh sản, mua cây, con giống, phân bón, tập huấn
chuyển giao khoa học – kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi… đã giúp tỷ lệ hộ nghèo
toàn huyện giảm bình quân 5 – 6%/năm…
Ông Lê Thanh Tiền- Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng
Lương cho biết, trước đây, đời sống của bà con trong xã rất khó khăn. Từ khi nhà
nước triển khai Chương trình 135 và các chính sách an sinh xã hội khác như hỗ
trợ xây dựng nhà ở, điện thắp sáng, trường học, nước sinh hoạt, xây dựng cầu,
cống, kênh mương thủy lợi, vốn vay ưu đãi thì đời sống của nhiều hộ đã cải thiện
thấy rõ. Riêng về chăn nuôi, nhiều hộ đã phát triển đàn lợn lên hàng chục con/1
lứa, cộng với chăn nuôi gia cầm, trồng rừng mỗi năm lãi 40-50 triệu đồng/hộ.
Không những thoát nghèo, không ít hộ còn vươn lên làm giàu. Từ năm 2010 đến năm
2015, các chương trình 134, 135, 30a đã hỗ trợ gần 34 tỷ đồng cho huyện đầu tư
cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Toàn huyện đã xây dựng được 38 công trình
giao thông, thủy lợi; duy tu, bảo dưỡng 4 công trình; hỗ trợ làm nhà ở cho 1.441
hộ nghèo; 1.900 hộ được hỗ trợ mua trâu bò sinh sản, mua cây, con giống, phân
bón, tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi … đã góp
phần giúp đỡ người dân địa phương từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu
chính đáng.