Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khu vực miền Trung phải là nơi “đất lành chim đậu”
Ngày 20/8, tại Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các nhà đầu tư lớn trong nước và đại diện một số tập đoàn nước ngoài, các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố miền Trung và đại diện 2 tỉnh Tây Nguyên với trên 700 đại biểu, đây là Hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với vùng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, nhằm tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung phát triển phù hợp với tiềm năng lợi thế của mình trong mối quan hệ hữu cơ với nhau và với các vùng miền, địa phương trong cả nước.
Thủ tướng cho rằng, miền Trung có vị trí địa kinh tế chính trị chiến lược vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Nhìn trên bản đồ, các tỉnh/thành được khớp nối lại một cách liền mạch như các đốt sống lưng của con người. Tầm quan trọng của Miền Trung với Việt Nam có thể ví như vai trò của cột sống đối với cơ thể người. “Miền Trung như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước. Chính vì vậy, không nên xem nhiệm vụ phát triển kinh tế Vùng miền Trung hôm nay là việc riêng, “việc nhà” của 14 tỉnh/thành miền Trung. Tôi mong muốn các bộ, ngành phải thẳng thắn chỉ ra những nút thắt từ phía bộ, ngành mình, các địa phương và chuyên gia cần chỉ ra những nút thắt và đề xuất những giải pháp phát triển; qua đó xác định những chính sách gì cần được ban hành hay tháo gỡ để giải phóng sức phát triển cho vùng, gắn kết và cùng chia sẻ thịnh vượng giữa các địa phương và người dân trong vùng cũng như cả nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, người miền Trung dù đi đâu, làm gì vẫn vẹn nguyên cốt cách, tố chất và tính cách (bộc trực, cần cù, chăm chỉ và quyết liệt). Rất nhiều nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt nhiều nhà kinh doanh giỏi, nhiều tỷ phú Việt Nam xuất thân từ dải đất miền Trung này. Đây là tài sản rất quan trọng đối với các tỉnh miền Trung. Thủ tướng đặt vấn đề, cần làm sao để những con người miền Trung giàu và giỏi đóng góp cho quê hương. Câu hỏi lớn hơn nữa là làm sao để thu hút được người giỏi, người tài, người giàu đến miền Trung sinh sống và làm việc? Miền Trung phải là nơi “đất lành chim đậu” trong tương lai.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất, cần tăng cường liên kết vùng và các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển. Tập trung xây dựng các đô thị ven biển có điều kiện và lợi thế làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy phát triển và trở thành các trung tâm kinh tế của từng tiểu vùng.
Vùng cần phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên về lưu trữ và điều tiết nguồn nước ngọt; tiếp tục thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Vùng kinh tế miền Trung cũng cần đẩy mạnh sự phối hợp gắn kết giữa các địa phương trong và ngoài vùng trong quá trình xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo, thu hút và tạo việc làm; xây dựng các chương trình, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu cũng là giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất. Theo đó, Bộ đề nghị vùng tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và nội vùng, đồng bộ mạng lưới giao thông kết nối giữa trung tâm kinh tế lớn của cả nước với khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị và vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong nước với quốc tế.
Tham gia góp ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, cho rằng: 14 tỉnh miền Trung có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nên bộ mặt nông thôn miền núi đã thay đổi. Tuy nhiên, so với đồng bằng vẫn còn khoảng cách khá lớn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đề xuất: Thời gian tới, đề nghị Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh miền Trung cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế rừng, sống và làm giàu nhờ rừng. Muốn được như vậy phải có chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn, đầu tư công nghiệp chế biến gỗ. Xây dựng các mô hình nông - lâm kết hợp, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, tập huấn và nâng cao trình độ cho người dân miền núi để nâng cao năng xuất lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân”.
Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, với trí tuệ, chất xám và con tim nhiệt huyết, các đại biểu sẽ đưa ra được những giải pháp, ý tưởng, đề xuất thật cụ thể và khả thi, như một bác sĩ giỏi phải bắt đúng bệnh thì mới chữa được bệnh. “Chính phủ, Thủ tướng luôn coi trọng sự phát triển kinh tế-xã hội miền Trung, luôn đặt ở vị trí ưu tiên trong sổ tay chương trình nghị sự của mình, để khi lật ra là nhớ và hành động”, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, các thủ lĩnh ngành, các lãnh đạo địa phương, tùy theo vị trí và trách nhiệm của mình cũng phải đặt sự ưu tiên phát triển vùng lên trang đầu trong chương trình nghị sự của mình.