Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định 755/QĐ-TTg: Nhiều địa phương chưa hoàn thành mục tiêu

Hết thời hạn thi hành, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tập trung theo Quyết định 755/QĐ-TTg cũng mới chỉ bố trí được 20,8% tổng nhu cầu vốn để thực hiện. Ở nhiều địa phương, kết quả thực hiện một số nội dung hỗ trợ chỉ đạt tỷ lệ 0%,…

“Đích” liên tục được “nới”

Ngày 20/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 755/QĐ-TTg (QĐ 755), phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tập trung cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn bản ĐBKK. Chính sách có hiệu lực đến hết năm 2015.

Nhưng hết năm 2015, hầu hết các địa phương được thụ hưởng chính sách chưa hoàn thành các mục tiêu. Do vậy, sau khi Ủy ban Dân tộc có Tờ trình số 02/TTr-UBDT, ngày 06/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục triển khai QĐ 755 đến hết năm 2016.

Vậy nhưng, việc triển khai QĐ 755 ở các địa phương vẫn rất ì ạch. Như ở Đăk Lăk, qua rà soát, toàn tỉnh có 4.979 hộ thiếu đất ở, 15.896 hộ không có và thiếu đất sản xuất, 26.894 hộ thiếu nước sinh hoạt. Chiếu theo mục tiêu của QĐ 755, đến hết năm 2015, Đăk Lăk sẽ hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho 70% số hộ; tương ứng sẽ có khoảng 3.385 hộ được cấp đất ở, khoảng 11.108 hộ được cấp đất sản xuất, khoảng 18.925 hộ được cấp nước sinh hoạt.  

Nhưng số liệu của UBND tỉnh Đăk Lăk cho thấy, hết tháng 6/2016, toàn tỉnh mới chỉ có 39 hộ được cấp đất ở, 281 hộ được cấp đất sản xuất, 5.881 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt. Hết tháng 12/2016, số hộ được cấp đất sản xuất theo QĐ 755 trên địa bàn tỉnh cũng chỉ nâng lên 1.051 hộ; có 12.743 số hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt.;…  

Không chỉ riêng Đăk Lăk mà tiến độ thực hiện QĐ 755 ở các địa phương khác cũng không mấy khả quan. Như Lâm Đồng, toàn tỉnh có 4.437 hộ thiếu đất sản xuất; nhưng hết năm 2016 cũng chỉ giải quyết đất sản xuất cho 13 hộ có nhu cầu (!).

Bết bát nhất là tỉnh Ninh Thuận khi kết quả thực hiện một số nội dung của QĐ 755 chỉ con số ‘Không” tròn trĩnh. Số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho thấy, hết năm 2016, việc hỗ trợ đất ở cho đồng bào DTTS trên địa bàn là 0%, hỗ trợ lao động học nghề, chuyển đổi nghề là 0%; chỉ có việc hỗ trợ đất sản xuất là có thánh tích khá khi đạt… 15,64% (?!).

Theo Báo cáo số 92/BC-UBDT ngày 12/7/2017 của Ủy ban Dân tộc về tình hình công tác dân tộc, chính sách dân tộc 10 tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên, hết năm 2016, các địa phương mới giải ngân được 70% vốn giao thực hiện QĐ 755. Đáng chú ý là việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất rất khó thực hiện; giải pháp thay thế là hỗ trợ chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giao khoán bảo vệ và trồng rừng cũng không đạt hiệu quả.

 Chính sách đặc thù thì phải có cách làm đặc thù

Báo cáo của các địa phương khi lý giải nguyên nhân chậm tiến đột thực hiện QĐ 755 là do vốn Trung ương bố trí không đủ, chậm. Cùng với đó là do quỹ đất không còn, định mức hỗ trợ thấp hơn nhiều so với giá đất hiện hành nên khó hỗ trợ cho các hộ thiếu đất ở, đất sản xuất…

Vốn thiếu, bố trí không kịp thời khiến các địa phương khó khăn khi triển khai QĐ 755 là một thực tế. Tờ trình số 02/TTr-UBDT ngày 06/1/2016 của Ủy ban Dân tộc đã chỉ rõ, tính đến tháng 12/2015, tổng ngân sách Trung ương cấp để thực hiện QĐ 755 là 2.302 tỷ đồng, mới chỉ đạt 20,8% tổng nhu cầu vốn.

Còn với 10 tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên, theo Báo cáo số 92/BC-UBDT ngày 12/7/2017 của Ủy ban Dân tộc, trong năm 2016, các địa phương được bổ sung nguồn vốn năm 2015 chuyển sang hơn 230 tỷ đồng để thực hiện. Sự thiếu hụt vốn khiến các địa phương rất khó xoay xở.

Như Đăk Lăk, tổng nguồn vốn thực hiện QĐ 755 là khoảng 743,7 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương 579,4 tỷ đồng. Nhưng hết năm 2016, tỉnh cũng mới được ngân sách Trung ương hỗ trợ 60 tỷ đồng/358,6 tỷ đồng, đạt 16,7% kế hoạch vốn. Cùng với đó, theo kế hoạch thì tỉnh phải đối ứng hơn 93 tỷ đồng; nhưng hết năm 2016, tỉnh cũng chưa biết lấy đâu ra số tiền này để “phối hợp” thực hiện QĐ 755.

Cùng với thiếu vốn thì việc không còn quỹ đất, định mức hỗ trợ thấp (hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ, được vay tín dụng ưu đãi tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ trong thời gian 5 năm) cũng khiến các địa phương gặp khó khi thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Ngoài ra, giải pháp thay thế khi không còn quỹ đất là chuyển đổi nghề cũng không thuận lợi vì mức hỗ trợ thấp (5 triệu đồng/hộ).

Tuy nhiên, không phải tỉnh nào cũng thiếu quỹ đất để thực hiện QĐ 755. Như Ninh Thuận, sau khi rà soát, thống kê lại ba loại đất rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này đã “dự trù” được 14 nghìn ha đất rừng để cấp đất cho đồng bào DTTS. Ngoài ra, năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cũng đã rà soát và đưa ra khỏi diện “đất rừng” hơn 8.000 ha, đang đợi ý kiến chấp thuận của HĐND tỉnh Ninh Thuận để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm đất ở.

Hay việc thực hiện giải pháp chuyển đổi nghề ở các địa phương cũng chẳng mấy khả quan. Như tỉnh Kon Tum, rà soát có 2.698 hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề. Nhưng hết năm 2016, toàn tỉnh mới hỗ trợ chuyển đổi nghề được 1.207 hộ, đạt 44,73% số hộ so với Đề án.

Thực tế, để giúp các hộ đồng bào DTTS nghèo và các hộ nghèo ở các xã, thôn bản ĐBKK thoát nghèo bền vững thì việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho bà con có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Còn chuyển đổi nghề, đào tạo nghề chỉ là một giải pháp tình thế. Bởi đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, hay hỗ trợ mua sắm nông cụ, mục tiêu cuối cùng của người nông dân là phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Không có đất sản xuất thì các giải pháp trên khó mang lại hiệu quả cao.

Vấn đề này phải được chính quyền các địa phương nhận thức một cách sâu sắc bởi từ năm 2017-2020, chính sách theo QĐ 755 sẽ tiếp tục được triển khai, được quy định tại Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016. Ngày 22/5/2017, Ủy ban Dân tộc đã có Thông tư số 02/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg. Với định mức hỗ trợ không thay đổi so với QĐ 755, nếu các địa phương không thay đổi cách thực hiện thì kế hoạch hỗ trợ đất ở, đất sản xuất sẽ lại đi vào vết xe cũ, lại lâm vào bế tắc. 

KT

 In bài viết
Văn bản điều hành