Thực hiện chương trình 135 ở Con Cuông

Những đổi thay rõ rệt qua 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II ở huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An đã cho thấy hiệu quả và ý nghĩa mà Chương trình mang lại. Nhìn chung, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ở các xã đặc biệt khó khăn được cải thiện, nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần; khoảng cách phát triển giữa các vùng, các dân tộc được thu hẹp; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Con Cuông là một trong những huyện miền núi đặc biệt khó khăn nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An. Huyện có 8 xã, 6 thôn, bản đặc biệt khó khăn với 8.998 hộ và 41.676 nhân khẩu thuộc diện thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II. Tổng vốn đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn là 54.526 triệu đồng (trong đó ngân sách Trung ương: 54.206 triệu đồng; ngân sách địa phương: 320 triệu đồng). Nhiều hạng mục được đầu tư bao gồm: Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất: 7.500 triệu đồng; Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng: 34.402 triệu đồng; Dự án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở: 2.041 triệu đồng; chính sách hỗ trợ theo Quyết định 112/TTg: 10.582 triệu đồng. Bên cạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng, Con Cuông cũng chú trọng tập trung các nguồn vốn phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cán bộ, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học sinh nghèo dân tộc thiểu số, trợ giá, trợ cước các mặt hàng tiêu dùng... Kết quả là trong 5 năm qua, đã có hàng ngàn hộ dân được nhận hỗ trợ góp phần xóa đói, giảm nghèo, hàng ngàn lượt người được hỗ trợ về y tế, nhiều học sinh nghèo được trợ giúp theo học các lớp nội trú...

Lạng Khê là một trong 8 xã được đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình 135 của Trung ương. 5 năm qua, Lạng Khê đã tập trung hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng phục vụ đời sống của người dân như công trình thủy lợi, giao thông liên thôn, bản, nhà bưu điện văn hóa xã, trạm y tế, trường mầm non... Bên cạnh đó, xã cũng tập trung nguồn vốn đầu tư cho bà con phát triển sản xuất như hỗ trợ khoa học-kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn cho đồng bào xóa đói giảm nghèo. Từ nguồn vốn này đã giúp cho gần 100 trăm hộ thoát được đói, hàng chục hộ xóa được nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy vậy, vì nguồn vốn dàn trải, các thôn bản trong xã lại không tập trung nên Lạng Khê tương đối khó khăn trong việc phát huy hiệu quả của các công trình đầu tư. Đến nay, xã vẫn còn hơn 43% số hộ nghèo; số hộ thoát nghèo vươn lên được chỉ tập trung ở thôn bản gần trung tâm.

Châu Khê cũng là một xã đặc biệt khó khăn của huyện. Phát huy nguồn vốn của Chương trình, kết hợp với thế mạnh của địa phương, xã đã tập trung phát triển kinh tế hộ và phát triển rừng. Bước đầu hướng đầu tư này đã cho thấy kết quả nhưng để phát triển mạnh và mang lại hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi thời gian dài, chẳng hạn như trồng rừng cho thu hoạch cũng mất 10-15 năm). Hơn nữa, đây là ngành sản xuất đòi hỏi tập trung vào một số hộ chứ không thể dàn trải. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã theo thống kê trong năm 2010 vẫn cao, hơn tỷ lệ trung bình của huyện gần 10%.

Ông Hoàng Đình Tuấn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Con Cuông cho biết: Trong những năm qua, phát triển kinh tế-xã hội của huyện Con Cuông đã đạt được những kết quả khả quan. Tỷ lệ nghèo đói giảm từ 52% năm 2006 xuống còn 37% năm 2010. Các công trình hạ tầng như giao thông liên thôn, bản, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt, nhà văn hoá cộng đồng... được xây dựng, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết khó khăn, tạo điều kiện để đồng bào vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến nay toàn huyện chưa có xã hoàn thành mục tiêu của Chương trình và thoát khỏi Chương trình khi kết thúc vào cuối năm 2010. Đặc biệt, những chỉ số cơ bản còn đạt thấp so với kế hoạch như: Tỷ lệ hộ nghèo trung bình là 37% trong khi chỉ tiêu kế hoạch là 30% (riêng 8 xã đặc biệt khó khăn còn 42%); tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn 38%, chỉ tiêu là 100%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 75%, chỉ tiêu 80%; tỷ lệ nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn: 38%, chỉ tiêu 50%...

Giải thích cho việc chưa đạt “chỉ tiêu” trong thực hiện Chương trình 135 của huyện, ông Hoàng Đình Tuấn cho rằng: nguyên nhân chủ yếu là do xuất phát điểm của đồng bào dân tộc thiểu số còn quá thấp. Bên cạnh đó, do địa bàn các xã, các thôn bản lại cách xa nhau dẫn đến quá trình đầu tư phải dàn trải, thiếu tập trung dẫn đến hiệu quả đạt được của các chương trình, dự án còn chưa được như ý. Đối với Con Cuông, trong năm 2010, khi Chương trình 135 giai đoạn II kết thúc, huyện chưa có xã nào được công nhận đã thoát nghèo. Không chỉ vậy, “Chương trình kết thúc khiến một huyện nghèo như Con Cuông lại càng phải đối mặt với những khó khăn hơn nữa”, ông Hoàng Đình Tuấn nhấn mạnh. Trước mắt, với Con Cuông, ngoài khó khăn trong việc tiếp tục xóa nghèo thì nguy cơ tái nghèo cũng cận kề các hộ mới vừa chân ướt chân ráo thoát nghèo. Đây chính là thách thức đặt ra đối với cấp uỷ chính quyền các cấp ở Con Cuông trong những năm tới. Được biết, giải pháp huyện triển khai là ngoài việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn xóa nghèo từ đầu tư của Trung ương và địa phương, huyện cũng kêu gọi phát huy nội lực, sự góp sức từ cộng đồng để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.

Hoàng Đạt
(Nguồn: Bản tin 135 - Tháng 11/2010)

[TT: H.T.N

 In bài viết
Văn bản điều hành