Thực hiện chương trình 135 ở Quảng Ninh: Động lực phát triển kinh tế- xã hội

Từ năm 2003, Quảng Ninh được hưởng lợi từ Chương trình (CT) 135 bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. Nhiều hộ gia đình biết tự vươn lên, học hỏi kinh nghiệm làm ăn sớm thoát nghèo. Đây chính là động lực để bà con vươn lên phát triển kinh tế- xã hội.

Trong 5 năm qua (từ 2003- 2007) CT 135 đầu tư trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 57.467,97 triệu đồng, chủ yếu tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng. Trong đó, riêng hợp phần “Hỗ trợ và phát triển sản xuất” với tổng nguồn vốn hơn 7,3 tỷ đồng (trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 5,4 tỷ đồng, còn lại huy động dân đóng góp trên 1,8 tỷ đồng) để đầu tư các hạng mục: Xây dựng 90 mô hình sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ vật tư kỹ thuật cho 20.466 hộ được hưởng lợi.

Nhờ được đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được ổn định, cải thiện đáng kể. Cũng nhờ hệ thống các công trình thuỷ lợi đã được bê tông hoá, kiên cố hóa kết hợp với chính sách ưu tiên hỗ trợ về giống, phân bón, xây dựng các mô hình điểm và tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nên sản xuất nông nghiệp các xã 135 có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ đó, đến nay, các xã đã tự túc được lương thực, không còn hộ đói và chấm dứt được tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do.

Xã Tiền An (huyện Yên Hưng) là xã thuần nông, đời sống của người dân gặp khó khăn do đất canh tác bạc màu, cấy lúa cho năng suất thấp. Năm 2003, người dân trong xã được cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện xuống hướng dẫn, chuyển đổi những thửa ruộng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng rau an toàn. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi trên 80% diện tích đất canh tác từ trồng lúa sang trồng cây hoa màu, cho năng suất cao. Hiện, toàn xã có trên 800 ha rau màu các loại, trong đó diện tích chuyên canh rau trên 176ha, tập trung ở thôn Bãi Hai, Của Đình, Đồng Vàng... với đủ chủng loại như: ớt vàng, cà chua ngọt, súp lơ Mỹ, tỏi Lade Pháp... Mỗi ngày, các hộ gia đình trong xã cung cấp ra thị trường trên 10 tấn rau các loại, vì thế nhiều hộ mỗi năm cho thu nhập từ 40-50 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có hộ còn thu được trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Quang Long, một trong những hộ gia đình trồng rau trong xã vui mừng cho biết: Từ khi gia đình tôi chuyển từ cấy lúa sang trồng rau, mỗi năm cho thu nhập trên 40 triệu đồng nên đời sống gia đình được cải thiện đáng kể. Nhờ vậy, gia đình đã mua được những vật dụng đắt tiền như tivi, xe máy, tủ lạnh để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc, tuy đạt được kết quả cao, nhưng nhìn chung kinh tế- xã hội ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi còn chậm phát triển. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của bà con. Nhiều địa phương, tập quán canh tác của đồng bào còn lạc hậu, chưa tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất nên khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các vùng còn cao... Do đó, để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo cho bà con các DTTS, rất mong các ngành, các cấp quan tâm nhiều hơn nữa về đầu tư CT 135, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất...

Nhật Minh
(Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển)

 In bài viết
Văn bản điều hành