Thực hiện Chương trình 135: Thiện Kỵ phát huy tối đa dân chủ ở cơ sở

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình 135, xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Một bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện đó là phát huy tối đa quy chế dân chủ ở cơ sở. Mỗi công trình được đầu tư xây dựng, mỗi cây con giống được hỗ trợ đều được lấy ý kiến từ cộng đồng dân cư và phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Con đường từ trung tâm xã Thiện Kỵ đến thôn Mỏ Vàng trước kia chỉ là những lối mòn bé tẹo vắt qua lưng chừng núi. Bao đời nay, người Mỏ Vàng đã quen với việc gò lưng, bấm 10 đầu ngón chân xuống đất để ngược dốc. Cách trung tâm xã chỉ hơn 1km, mà dường như Mỏ Vàng thật xa xôi cách trở. Có đường trở thành khao khát cháy bỏng của những người dân nơi đây. Rồi cái mơ ước ấy cũng trở thành hiện thực, Chương trình 135 đã mang lại cho Mỏ Vàng con đường trục chính còn vượt cả tưởng tượng của họ. Anh Vy Văn Vang hồ hởi: Ô tô vào được tận trung tâm thôn, trước kia đi mất hàng giờ, thì nay đến trung tâm xã chỉ mất vài phút, quả là một sự thay đổi kỳ diệu. Có đường, cuộc sống ở Mỏ Vàng dường như bước sang một bước ngoặt mới, sôi động hơn và cũng năng động hơn.

Ông Hứa Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay từ khi bước vào thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, mặc dù chưa làm chủ đầu tư, nhưng xã đã xây dựng một lộ trình thực hiện và đưa vào kế hoạch 5 năm, trong đó từng năm đều xây dựng kế hoạch cụ thể. Tất cả những kế hoạch ấy được xây dựng dựa trên ý kiến của nhân dân. Năm 2009, Thiện Kỵ làm chủ đầu tư hợp phần hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135, xã đã thành lập ban quản lý dự án và phân công các thành viên trong ban phụ trách từng thôn. Các thành viên có nhiệm vụ lắng nghe ý kiến của nhân dân, đồng thời nắm rõ đặc điểm của thôn mình phụ trách để từ đó có những định hướng đúng đắn cho nhân dân. Việc lồng ghép với các chương trình khác được thực hiện một cách khá linh động, khi đáp ứng cơ bản nhu cầu về cây con giống cho bà con bằng các chương trình, dự án khác, Dự án hỗ trợ sản xuất ở Thiện Kỵ chủ yếu tập trung vào hỗ trợ các loại vật tư thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp như phân bón và các loại giống mới. Hướng đi đó của xã đã phát huy hiệu quả, cho đến nay 100% diện tích gieo trồng đều sử dụng giống mới, phương thức sản xuất của nhân dân tiến bộ rõ rệt, số ruộng 3 vụ tăng nhanh và bình quân lương thực đầu người của Thiện Kỵ đạt ở mức khá cao, trên 500 kg/người/năm.

Không chỉ ở hợp phần hỗ trợ sản xuất mà ngay cả trong đầu tư xây dựng cơ bản, dân chủ ở cơ sở cũng được Thiện Kỵ phát huy cao độ. Trước khi có kế hoạch xây dựng công trình nào, xã đều lấy ý kiến của nhân dân thông qua các buổi họp thôn và các cuộc tiếp xúc cử tri, các kỳ họp HĐND cấp xã…Thiện Kỵ chủ yếu tập trung vào mở các tuyến đường giao thông. Cho đến nay, toàn xã đã có 7/8 thôn có đường ô tô vào đến tận trung tâm. Phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, nên các công trình đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía người dân. Ông Khánh cho biết: Đã có nhiều hộ gia đình trong xã bị mất một phần đất sản xuất trong khi mở đường, nhưng cho đến nay xã chưa gặp phải khó khăn gì trong khâu giải phóng mặt bằng, bởi người dân sẵn sàng hiến đất để mở đường. Thiện Kỵ được các nhà thầu đánh giá rất cao trong việc giao mặt bằng sạch. Một nông dân xã Thiện Kỵ cho biết: Làm đường là đúng với nguyện vọng của dân mình rồi, nếu qua đất nhà mình thì mình sẵn sàng hiến đất, giao mặt bằng nhanh bao nhiều thì công trình nhanh bấy nhiêu, dân mình sớm có con đường để đi, để làm ăn, phát triển kinh tế.

Trên 39% hộ nghèo, không phải là một con số thấp, nhưng nếu so sánh với vài năm trước đây, thì Thiện Kỵ đã có rất nhiều chuyển biến. Khó khăn chưa phải là đã hết đối với người dân vùng khó, nhưng với một hệ thống cơ sở hạ tầng đang ngày được củng cố, đặc biệt là tính dân chủ ở cơ sở đang tiếp tục được phát huy cao độ, tạo nên sự đồng thuận từ nhân dân…chính là một trong những nền tảng vững chắc để tạo nên sức bật mới ở Thiện Kỵ.

Theo Lê Minh
(Báo Langson.vn)

[TT: H.T.N]

 In bài viết
Văn bản điều hành