Thực hiện CT 135 ở Hà Nội: Vùng đồng bào dân tộc được đầu tư khang trang

Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (CT 135-II) hầu hết các thôn, bản ĐBKK thuộc Thạch Thất, Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai trên địa bàn T.P Hà Nội đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực đặc biệt khó khăn; đời sống của đồng bào Thủ đô được cải thiện.

Trước đây, những thôn, bản vùng đồng bào dân tộc, vùng miền núi gặp nhiều khó khăn cả về đời sống vật chất và tinh thần, nguồn thu nhập chủ yếu vẫn là nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, kinh tế mang nặng tính tự cung tự cấp, phương thức sản xuất, tập quán canh tác hạn chế. Song từ khi CT 135 triển khai (tính từ năm 2009) Hà Nội đã thực hiện các chương trình lồng ghép: chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây nông nghiệp, trồng lúa lai, kỹ thuật chăn nuôi được triển khai; hỗ trợ các giống cây trồng, con giống… Bên cạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, Ban Chỉ đạo chương trình xác định, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng là vấn đề cấp thiết. Với kinh phí 127,404 tỷ đồng, Hà Nội đã thực hiện 24 hạng mục công trình như đường giao thông, trường học, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, chợ và nhà văn hoá, tạo điều kiện thuận lợi giao thương hàng hoá, phát triển nông nghiệp nông thôn.

Chủ tịch UBND xã Yên Trung, huyện Thạch Thất cho biết: Xã Yên Trung có 1 thôn Hương được hưởng CT 135-II. Nhờ vậy, thôn này đã có đường bê tông chính dài gần 1,5 km và các nhánh phụ toả đi các xóm bảo đảm mùa mưa đi lại dễ dàng. Thôn được đầu tư xây trường mầm non với 2 phòng học kiên cố 2 công trình thuỷ lợi, phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp. Nhà nước đầu tư 3,105 tỷ đồng hỗ trợ các dịch vụ, giúp các hộ nghèo cải thiện vệ sinh môi trường, hỗ trợ một phần kinh phí cho con hộ nghèo đi học. TP. Hà Nội đang tập trung ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng ở những nơi đặc biệt khó khăn, các công trình cấp bách phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và phục vụ đời sống dân sinh cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ thuật, lồng ghép các mô hình trình diễn; tạo điều kiện để người dân vay được vốn đầu tư phát triển kinh tế; tăng cường đào tạo nghề phù hợp cho nhân dân các địa phương…

Minh Phúc
(Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển)

[TT: H.T.N]

 In bài viết
Văn bản điều hành